Khu du lịch, địa điểm du lịch

Tài nguyên du lịch Điện Biên

Diện tích: 9562,9 km²

Dân số (2015): 547.800 người.

Tỉnh lỵ: Thành phố Điện Biên Phủ.

Các huyện, thị: Thị xã Mường Lay; huyện: Tủa Chùa, Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Điện Biên, Mường Nhé, Mường Ảng, Mường Chà, Nậm Pồ.

Dân tộc: Thái, H'Mông, Việt (Kinh), Dao, Giáy...

 

Tỉnh Điện Biên thuộc vùng núi cao Tây Bắc của Việt Nam, phía Bắc giáp tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) với đường biên giới 38km; phía Đông Bắc giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông Nam giáp Sơn La; phía Tây Nam giáp Lào với đường biên giới 360km. Thành phố Điện Biên Phủ cách Hà Nội 474km theo quốc lộ 6.

Địa hình Điện Biên có nhiều núi cao, thung lũng, cao nguyên nhỏ, sông suối hẹp độ dốc lớn. Tỷ lệ đất rừng chiếm 37% diện tích tự nhiên, chủ yếu là rừng trồng hoặc rừng tái sinh. Mường Thanh của Điện Biên là long chảo lớn nhất ở Tây Bắc, diện tích khoảng 150 nghìn ha.

Khí hậu Điện Biên có hai mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 4 đến tháng 10; mùa khô từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau. Nhiệt độ trung bình năm 21- 23ºC. Về mùa hè không quá nóng, ban đêm có thể đắp một tấm chăn mỏng khi ngủ, nhiệt độ mùa đông không quá lạnh. Độ ẩm trung bình năm khoảng 85%.

Tỉnh Điện Biên có mạng lưới giao thông đường bộ khá thuận lợi. Trên địa bàn tỉnh có ba tuyến quốc lộ: số 6, số 12 và 279; sáu tuyến tỉnh lộ. Tại thành phố Điện Biên Phủ có sân bay Điện Biên Phủ phục vụ du khách Hà Nội - Điện Biên Phủ.

Điện Biên là tỉnh có phong cảnh thiên nhiên hữu tình, giàu tiềm năng du lịch, đặc biệt là di tích lịch sử Điện Biên Phủ, một di tích cấp quốc gia nổi tiếng đối với du khách quốc tế. Di tích này lưu lại sự kiện chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 chấn động toàn cầu.

Cộng đồng 21 dân tộc đang sinh sống ở Điện Biên là tiềm năng du lịch nhân văn vô giá cho những du khách muốn tìm hiểu đời sống các dân tộc ít người. Dấu ấn về những ngôi nhà sàn duyên dáng chênh vênh bên sườn núi; khuôn mặt tươi trẻ trong sắc phục riêng của những cô gái Thái, H'Mông, Hà Nhì...; tình cảm lưu luyến khi tay nắm tay trong đêm hội múa xoè; hương vị đậm đà của chén rượu... khiến bao du khách cứ bịn rịn khi phải chia tay với mảnh đất và con người Tây Bắc.

VĂN HOÁ - LỄ HỘI

Điện Biên có 21 dân tộc cư trú, mỗi dân tộc đều có những nét riêng trong đời sống văn hoá cổ truyền. Dân tộc Thái có tiếng nói, chữ viết riêng, có nghề dệt vải truyền thống, họ có nhiều tác phẩm cổ viết về lịch sử, phong tục, luật tục và văn học; có hát thơ, đối đáp giao duyên tình tứ. Dân tộc H'Mông có trang phục đa dạng về màu sắc, kiểu dáng; có vốn văn học nghệ thuật dân gian đặc sắc; nhiều nhạc cụ độc đáo: kèn môi, kèn lá, khèn bè,... những điệu múa ô khoẻ mạnh, duyên dáng. Tất cả những yếu tố trên đã tạo nên sự độc đáo riêng hấp dẫn nhiều du khách phương xa khi có dịp đến thăm miền Tây Bắc. Dưới đây là một số lễ hội truyền thống:

Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên

Hàng năm, cứ vào ngày 7 tháng 5, tại thành phố Điện Biên Phủ- trận địa năm xưa, tỉnh Điện Biên thường tổ chức lễ kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên (thường 5 năm hay 10 năm một lần Nhà Nước đứng ra tổ chức Lễ kỷ niệm lớn). Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người đủ các dân tộc, già trẻ, trai gái khắp nơi đổ về đây dự lễ. Trang phục lộng lẫy đủ màu. Lễ kỷ niệm bắt đầu bằng cuộc mít tinh trọng thể, ôn lại những chiến thắng oanh liệt của quân và dân năm 1954. Sau cuộc mít tinh, là những trò vui làm cho không khí cuộc lễ rất tưng bừng, náo nhiệt.

Kỷ niệm chiến thắng Điện Biên là một ngày vui của người dân trong vùng. Đã thành nếp, cứ đến ngày này người dân nơi đây coi như một ngày hội lớn mừng chiến thắng vĩ đại của cả dân tộc.

Lễ hội đền Hoàng Công Chất

Đền thờ Hoàng Công Chất ngày nay dựng tại Bản Phủ, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ 12km. Lễ hội hàng năm tổ chức vào hai ngày 24, 25 tháng hai âm lịch, tưởng nhớ công ơn của Hoàng Công Chất và các tướng của ông đã đánh thắng giặc Phẻ, giải phóng Mường Then (Mường Thanh).

Lễ hội có lễ rước thần, dâng hương tưởng niệm và nhiều trò vui của người dân ở địa phương.

Lễ hội Mừng măng mọc

Là lễ hội của các dân tộc Mảng, Kháng, Xinh Mun, La Hủ, Khơ Mú, Phù Lá... ở vùng Tây Bắc. Lễ hội thường diễn ra vào đầu mùa mưa khi những búp măng bắt đầu mọc mà theo quan niệm của họ là thời điểm bắt đầu của mùa sản xuất trong năm. Người dân ở đây mở hội mừng măng mọc với niềm vui và nhiều ước mơ về một mùa nương rẫy mưa thuận gió hoà, lúa ngô đầy kho, bản làng tươi vui, no ấm; đồng thời bày tỏ lòng biết ơn thần Trời, thần Đất...

Lễ hội Kin pang then của người Thái trắng

Vào những ngày đầu xuân, sau Tết nguyên đán, du khách đến Mường La sẽ được xem và tìm hiểu về lễ hội Kin pang then. Đây là lễ hội truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Thái trắng. Lễ hội là dịp để bà con các bản nơi đây có dịp gặp gỡ, giao lưu thể hiện tài năng và tinh thần đoàn kết, vươn lên trong cuộc sống. Ngoài ra đây là dịp để mọi người cùng dâng lễ cảm tạ trời đất và cầu an, cầu phúc cho bản làng với hi vọng năm mới mưa thuận, gió hòa, nhà nhà mạnh khỏe, hạnh phúc, làm ăn phát đạt. Sau một năm lao động vất vả, cực nhọc, đây còn là dịp người dân bản xóa đi tất cả những phiền muộn, âu lo để hưởng một cuộc sống vui tươi, hạnh phúc trọn vẹn. Đặc biệt hơn lễ hội còn là dịp để những đôi trai gái trong bản, trong mường có dịp gặp gỡ, tỏ tình, tìm hiểu và xây dựng hạnh phúc lứa đôi.

Lễ Cúng bản của người Cống

Hàng năm, cứ đến tháng 3 âm lịch, các bản đều tổ chức lễ cúng bản trước vụ gieo hạt. Vào ngày lễ, các ngả đường vào bản làm cổng, cắm dấu hiệu kiêng kị một ngày khách lạ không được vào bản. Sau đó từng gia đình làm lễ cúng trên nương. Đây là lễ cầu mùa màng tốt tươi, côn trùng và chim chóc không phá hoại mùa màng.

Lễ cúng cơm mới của người dân tộc Phù Lá

Người dân tộc Phù Lá ở khu vực Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên có phong tục cúng cơm mới vào ngày 14 tháng 7 hàng năm (tiếng dân tộc Phù Lá gọi là: Mờ Thà Bờ Xi Mí Vá, Sờ Si Ne); nhằm tạ ơn thần rừng, thần núi, thần nương đã phù hộ, bảo vệ cho mùa màng của họ tươi tốt và được mùa. Trước đó, thường thì già bản cử người tuyển chọn cho được những giống lúa tốt, dẻo thơm và sinh trưởng ngắn ngày (từ 3 - 3.5 tháng) để có được cơm mới vào đúng ngày 14/7.

Sau phần lễ, phần hội diễn ra sôi nổi với những điệu múa truyền thống và lời ca của dân tộc Khơ Mú.

Lễ Gạ Ma Thú của người Hà Nhì

Người Hà Nhì có rất nhiều ngày cúng trong năm, nhưng tưng bừng và nhộn nhịp nhất là ngày Gạ Ma Thú (cấm bản). Gạ Ma Thú bao gồm nhiều lễ cúng như: cúng mó nước, cúng rừng cấm, cúng thần mùa màng, cúng đầu bản, cuối bản, cúng thần sét, cúng thần lửa... và điều đặc biệt nhất trong ba ngày cúng bản nội bất xuất, ngoại bất nhập. Mọi sinh hoạt tín ngưỡng và vui chơi được điều hành bởi thầy cúng và trưởng bản.

LÀNG NGHỀ

Làng nghề mây tre đan Nà Tầu

Dựa trên cơ sở nghề truyền thống lâu đời của người dân trong vùng, năm 2010, xã Nà Tầu thành lập làng nghề mây tre đan với mục tiêu thúc đẩy hơn nữa nghề thủ công của địa phương phát triển, quảng bá rộng rãi các sản phẩm mây tre đan ra thị trường, cổ vũ người dân sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập cải thiện đời sống. Kết quả là sản phẩm làm từ tre và song, mây của làng nghề mây tre đan Nà Tầu đã được người dân trong huyện, trong tỉnh rất ưa chuộng.

Nghề dệt thổ cẩm Điện Biên

Các sản phẩm thêu và dệt thổ cẩm là những sản phẩm thủ công điển hình của vùng Tây Bắc. Thổ cẩm Điện Biên được dệt theo cách truyền thống bởi những người dân tộc thiểu số địa phương. Bản Na Sang II có lịch sử lâu đời về nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Người dân dệt thổ cẩm chủ yếu cho nhu cầu sử dụng bản thân. Giá trị sản phẩm của họ đã được nâng cao. Thổ cẩm Na Sang II nay trở thành một trong những sản phẩm thủ công điển hình của tỉnh Điện Biên.

Thổ cẩm Na Sang II có nhiều ưu thế để phát triển như có các lao động có kĩ năng và văn hóa Lào độc đáo, có sự đoàn kết giữa người dân Na Sang II. Đó là những nhân tố tích cực cho sự phát triển nghề dệt thổ cẩm Điện Biên.

DI TÍCH - DANH THẮNG

Quần thể di tích Điện Biên Phủ

Điện Biên Phủ là một địa danh không chỉ làm sáng ngời lịch sử Việt Nam mà còn được cả thế giới biết.

Quần thể di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ, tập trung hầu hết tại thành phố Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm chiến đấu, bộ đội Việt Nam tiêu diệt và bắt sống 16.200 quân địch; bắn rơi và phá huỷ 62 máy bay các loại, đánh bại kế hoạch Na Va của Pháp và Mỹ. Buộc Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ thừa nhận quyền độc lập và hoà bình của Việt Nam.

Hàng chục năm đã qua đi, tại đây vẫn lưu giữ nhiều chứng tích nằm rải rác khắp nơi trong vùng: các trận địa pháo, xác máy bay địch, cầu Mường Thanh bắc qua sông Nậm Rốm... Sau đây là một số hạng mục di tích trọng yếu nhất:

  1. Đồi Him Lam, là trận đánh mở màn chiến dịch vào ngày 13/3/1954.
  2. Đồi Độc Lập, là trận đánh chiếm cứ điểm này vào ngày 15/3/1954.
  3. Các đồi C, D, E là nơi diễn ra các trận đánh rất ác liệt, giành giật nhau từng tấc đất. Tất cả đang được bảo tồn. Trên mỗi quả đồi có gắn tên các chữ cái khá to ở vị trí dễ quan sát nhất, từ xa có thể nhìn rõ. Trên đồi D1, tháng 5/2004 khánh thành cụm Tượng đài Chiến thắng Điện Biên; tháng 5/2009, khánh thành trục hành lễ và bức phù điêu.
  4. Đồi A1, là điểm cao quan trọng nhất có tính quyết định ở chiến trường Điện Biên Phủ. Nơi đây bộ đội Việt Nam đã phải chiến đấu suốt 36 ngày đêm cực kỳ gian khổ. Hy sinh mất mát rất nặng nề cho cả hai phía. Tối ngày 06/5/1954, bộ đội ta phát lệnh nổ quả bộc phá gần một tấn, khiến bọn địch sống sót phải đầu hàng. Bộ đội ta làm chủ trận địa.
  5. Sân bay Mường Thanh và cứ điểm 206 năm xưa nằm ở vị trí trung tâm của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Hiện nay sân bay này đã được cải tạo nâng cấp thành sân bay dân dụng Điện Biên Phủ trong hệ thống đường bay nội địa của Hàng không Dân dụng Việt Nam.
  6. Hầm sở chỉ huy quân đội Pháp (tướng De Castries). Vị trí hầm, hình dáng, kích thước, cấu tạo của hầm chỉ huy... vẫn nguyên như nó vốn có, nằm ở gần cầu Mường Thanh.
  7. Bảo tàng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nơi đây sưu tập và lưu giữ rất nhiều hiện vật mô tả khái quát toàn bộ cuộc chiến đấu cực kỳ gian khổ của quân và dân Việt Nam để làm nên chiến thắng vang dội của mùa xuân 1954. Hiện vật được trưng bày cả ngoài trời và trong nhà.
  8. Nghĩa trang Đồi A1 có 644 mộ; nghĩa trang đồi Độc Lập có 2.432 mộ; nghĩa trang đồi Him Lam có 986 mộ liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong chiến dịch Điện Biên.
  9. Sở chỉ huy chiến dịch của bộ đội Việt Nam, cách trung tâm Mường Thanh hơn 30km, trong một khu rừng nguyên sinh thuộc địa phận xã Mường Phăng. Tại đây có lán làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, các cố vấn, bộ phận giúp việc...

Gần đó, trên đỉnh núi Pú Huốt đặt đài quan sát của sở chỉ huy trong những ngày chiến dịch ác liệt. Từ đài quan sát đó có thể nhìn rõ toàn cảnh trận địa dưới lòng chảo Mường Thanh bằng mắt thường.

Quần thể di tích được giữ gìn, bảo quản nghiêm cẩn để các thế hệ người Việt Nam và bè bạn năm châu tận mắt chứng kiến, hiểu thêm những năm tháng chống ngoại xâm oanh liệt của dân tộc Việt Nam giữa thế kỷ XX.

Tượng đài “Chiến thắng Điện Biên”

Tượng đài “Chiến thắng Điện Biên” mô tả ba chiến sỹ Điện Biên, đứng trên nóc hầm tướng Đờ Cát, mặt quay về ba hướng (dựa lưng với nhau), một cầm súng, một phất cờ, một nâng em bé tay cầm hoa. Chất liệu tượng đài bằng đồng, cao 13,25 mét (chưa kể bệ bê tông), trọng lượng đồng khoảng 180 tấn, trọng lượng toàn bộ khoảng 360 tấn (vỏ đồng, ruột bê tông cốt thép). Bệ tượng cao 3,6m, rộng 8m, dài 10m. Cụm tượng đài “Chiến thắng Điện Biên” do công ty đúc đồng Đoàn Kết (huyện Ý Yên, Nam Định) thực hiện.

Tượng đài “Chiến thắng Điện Biên” đặt trên đỉnh đồi D1 - một địa danh lịch sử trong chiến dịch Điện Biên mùa xuân năm 1954. Tượng đài khánh thành nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2004).

Tại đồi D1, tháng 5/2009 khánh thành trục hành lễ rộng 12,6m, dài 179m với 320 bậc đá phân thành ba đợt tượng trưng cho ba đợt tấn công, 56 cột tượng trưng cho 56 ngày đêm chiến dịch, 5 lối đi lên tượng trưng cho 5 mũi tấn công. Bức phù điêu bằng đá dài 58m, cao bình quân 6,5m với 4 chương mô tả tóm tắt từ khi chuẩn bị chiến dịch đến ngày chiến thắng.

Thành Bản Phủ - đền Hoàng Công Chất

Thành Bản Phủ (Tam Vạn, Xam Mứn) xây dựng vào thế kỷ XV. Diện tích thành tới hàng chục héc ta, nằm ở phía Nam cánh đồng Mường Thanh. Cấu trúc thành ở phía trước có hai chiến luỹ dài tới ba cây số, cao vượt đầu người. Chân thành được trồng tre kín mít và đào hào sâu phía ngoài. Xã Noọng Hẹt ngày nay chính là khu vực trung tâm của thành ngày đó.

Thành Bản Phủ hiện nay được tôn tạo một đoạn tuờng thành để du khách có thể liên tưởng về toà thành cổ kiên cố ngày ấy. Thế kỷ XVIII, giặc ngoại xâm chiếm thành Bản Phủ. Hoàng Công Chất (1739 - 1769) được cử đi giải phóng Mường Thanh, giành lại thành. Sau khi ông mất, nhân dân lập đền thờ để ghi nhớ công ơn ông. Ngôi đền hiện nằm trong thành, dưới tán lá xum xuê của cây “đoàn kết” (gốc cây bồ đề quấn lấy cây đa), cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 12km về phía Tây Nam. Thành Bản Phủ và đền thờ Hoàng Công Chất là một điểm du lịch hấp dẫn ở Điện Biên.

Di tích Noọng Nhai

Đó là một tượng đài kỷ niệm trận ném bom huỷ diệt của quân đội Pháp ngày 25/4/1954, nay thuộc xã Thanh Xương, huyện Điện Biên. Ngày đó, vì bị thua đau trên các chiến trường, quân đội Pháp đã điên khùng trút 10 quả bom Napan huỷ diệt toàn bộ bản Noọng Nhai. 444 người dân vô tội, hầu hết là người già, con trẻ đều bị chết oan uổng. Nhưng chúng đã nhầm, chính sự kiện này đã nhân lên lòng căm thù của đồng bào và quân dân cả nước, càng hun đúc thêm ý chí quyết tâm đánh giặc trả thù cho đồng bào Noọng Nhai, giải phóng Điện Biên Phủ.

Tháp cổ Mường Luân

Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật nằm trên địa phận xã Mường Luân, huyện Điện Biên Đông, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 70km. Tháp Mường Luân xây dựng từ thế kỷ XV, được xếp hạng di tích quốc gia năm 1981.

Bảo tàng Điện Biên Phủ

Bảo tàng Điện Biên Phủ nằm đối diện với nghĩa trang liệt sĩ trên đồi A1, trung tâm thành phố Điện Biên Phủ. Bảo tàng được xây dựng vào năm 1984 nhân dịp kỷ niệm 30 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Vào cuối năm 2003, bảo tàng Điện Biên Phủ đã tiến hành nâng cấp và chỉnh lý lại khu trưng bày. Đến nay bảo tàng có 5 khu trưng bày với 274 hiện vật và 122 bức tranh theo từng chủ đề sau:

  • Vị trí chiến lược của Điện Biên Phủ.
  • Tập đoàn cứ điểm của địch tại Điện Biên Phủ.
  • Đảng chuẩn bị đường lối chỉ đạo cho chiến dịch Điện Biên Phủ.
  • Ảnh hưởng của chiến thắng Điện Biên Phủ.
  • Điện Biên Phủ ngày nay.

Đèo Pha Đin

Từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ, đi theo đường bộ, bạn sẽ đi hàng trăm ki lô mét đường đèo dốc và nhất thiết phải vượt đèo Pha Đin dài 32km. Pha Đin tiếng địa phương nghĩa là “Trời đất”, đây là nơi tiếp giáp giữa trời và đất.

Xưa kia, vì có sự tranh chấp ranh giới giữa hai tỉnh Sơn La và Lai Châu, người ta đã giải quyết bằng một cuộc đua ngựa. Từ hai phía đèo, cùng một lúc ngựa hai bên phi hướng về nhau. Nơi gặp gỡ sẽ là ranh giới. Ngựa Lai Châu phi nhanh hơn, nên phần đèo thuộc về Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) dài hơn phần đèo của Sơn La.

Với độ cao trên 1.000m, khi lên dốc, lúc xuống dốc, con đường ngoằn ngoèo, chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, lại nhiều “cua tay áo” hiểm trở. Vượt đèo Pha Đin là hành trình khá nguy hiểm nhưng cũng rất lý thú khi có dịp vượt qua những cung đường ở vùng núi non Tây Bắc.

Hồ Pá Khoang

Hồ có diện tích bề mặt khoảng 400 - 500ha, thuộc địa phận xã Mường Phăng, huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng hơn 20km. Nguyên xưa là con suối lớn thu nhận nước từ hàng trăm khe đổ về, sau khi xây dựng một công trình thủy lợi với hệ thống đập tràn, đập chắn, cống dẫn để cấp nước cho hai nhà máy thủy điện và phục vụ nhu cầu cuộc sống và canh tác ở lòng chảo Mường Thanh, nơi đây trở thành một hồ nước hiền hoà, thơ mộng.

Pá Khoang là một điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Điện Biên, với các loại hình du lịch sinh thái, thể thao và nghỉ dưỡng.

Hang Thẩm Púa

Hang thuộc địa phận xã Búng Lao, huyện Tuần Giáo. Đây là một hang đá tự nhiên và là chứng tích của chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Lòng hang rộng, cao gần 10m, có nhiều ngách. Giữa hang có phiến đá to bằng phẳng như một cái bàn. Trên vách, trần hang có nhiều măng đá, nhũ đá tạo thành nhiều hình thù như những con rồng, con phượng, sư tử, voi quì hoặc những đoá phong lan tuyệt đẹp.

Hang Thẩm Púa từng là sở chỉ huy đầu tiên của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, từ ngày 6/12/1953 đến 30/1/1954. Ngày 14/1/1954 tại hang này diễn ra Hội nghị quan trọng về chiến dịch Điện Biên Phủ. Hang Thẩm Púa đã được xếp hạng di tích quốc gia và là một điểm đến hấp dẫn.

Hang Thẩm Báng

Hang Thẩm Báng thuộc huyện Mường Ẳng, tỉnh Điện Biên được xếp hạng di tích và là một trong những điểm tham quan của du khách. Đây là hang đá có vẻ đẹp tự nhiên và còn nguyên vẹn. Lòng hang rộng và sâu, cao gần 100m, có nhiều ngách. Giữa hang có phiến đá to bằng phẳng như mặt bàn. Nhìn lên các vách, trần đá, nhiều măng đá, nhũ đá tạo thành những hình thù những con rồng, con phượng, sư tử, voi quì hoặc những đoá phong lan tuyệt đẹp.

Nơi đây đã phát hiện một số loại rìu, chày nghiền thức ăn bằng đá, một số mẩu xương động vật hoá thạch.

Động Pa Thơm

Thuộc xã Pa Thơm, nằm ở phía Tây huyện Điện Biên, giáp với biên giới Việt Lào. Động Pa Thơm nằm ở lưng chừng núi, cửa động hình mái vòm, cửa cao 12m, rộng 17m, mái đá nhô ra 7m. Chính giữa lối vào là một khối đá khổng lồ sừng sững giống như đầu voi đang rũ xuống. Chiều sâu động khoảng hơn 350m chạy theo hướng Nam. Động có 9 vòm lớn nhỏ, chiều ngang có chỗ rộng chừng 20m. Lối vào động giáp cửa hang có ba khối đá lớn chắn ngang nằm uốn lượn như một con trăn khổng lồ ngăn đôi động và tạo thành hai lối vào ra. Ngay từ ngoài cửa hang đã có nhiều nhũ đá với nhiều hình hài hết sức sống động, nhũ đá óng ánh, màu sắc huyền ảo, lung linh dưới ngọn nến. Các vòm động đều cao vút, mỗi vòm tựa như một tòa điện nguy nga, lộng lẫy, khối nhũ nhô lên, những măng đá đủ mọi hình tượng mềm mại từ trên mái trấn rủ xuống những tua rua óng ánh. Bên vách những khối đá như những dòng thác lớn đang chảy, óng ánh bạc. Nhân dân địa phương gọi là “Thấm Nang Lai” (hang nhiều nàng Tiên).

Khu du lịch U Va

Thuộc xã Noong Luống, huyện Điện Biên, cách thành phố Điện Biên Phủ khoảng 15km về phía Tây Nam. U Va có núi non trùng điệp, hồ U Va rộng trên 73.000m² có suối khoáng nóng tự nhiên 76ºC từ trong lòng đất trào lên.

Đến với UVa, du khách có thể tham quan nhà sàn Tây Bắc, bơi lội trong dòng suối khoáng nóng U Va, thưởng thức các món ăn truyền thống, xem những điệu múa xòe, điệu hát do đồng bào dân tộc Thái, H’Mông biểu diễn.

Khu du lịch sinh thái Him Lam

Nằm trên địa phận phường Him Lam, thành phố Điện Biên Phủ, khu du lịch sinh thái Him Lam rộng 20ha được bao bọc bởi một dải núi vũng cung hình bán nguyệt, phía dưới là lòng hồ trong xanh và yên tĩnh phản chiếu hình ảnh khách sạn với các khu nhà nghỉ tráng lệ, các dịch vụ hoàn hảo.

Mường Lay

Mường Lay nằm hai bên bờ sông Đà được nối liền bởi những cây cầu dài, dưới là lòng hồ thủy điện rộng lớn đã tạo nên một bức tranh sơn thủy hữu tình. Mường Lay đang chuyển mình để trở thành trung tâm du lịch phía Bắc của tỉnh Điện Biên, là điểm dừng chân lý tưởng của hành trình Du lịch vòng cung Tây Bắc đối với mọi du khách.

Mường Lay có cảnh quan du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn, trên là núi dưới là hồ được ví như một Hạ Long trên cạn. Với khí hậu mát mẻ và trong lành của núi rừng Tây Bắc, Mường Lay chính là nơi giao thoa của đất trời và sông núi, của quá khứ và hiện đại. Dòng sông Đà hung dữ năm xưa giờ đây trở nên hiền hòa, phẳng lặng và xanh mênh mông, tạo cho người thưởng ngoạn cảm giác thật thoải mái, nhẹ nhàng và tưởng như đang giao hòa với thiên nhiên, đất trời, non nước.

Mảng văn hóa tiêu biểu nhất ở Mường Lay chính là văn hóa của dân tộc Thái trắng. Mường Lay được xem là thủ phủ của người Thái trắng ở Điện Biên, là một trong những cái nôi của điệu múa nón, múa chai, múa quạt duyên dáng đã đi vào tiềm thức con người và thơ ca.

( Nguồn: Non nước Việt Nam - 2016)

2018 © Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam
Địa chỉ: Tầng 5, số 211 Giảng Võ, Phường Cát Linh, Quận Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: 024.37835120, 37835122
Email: hanoi@hoihuongdanvien.vn