Nằm trên trục đường Hai Bà Trưng, không xa chùa Cầu, đây là hạng mục cổng của một tổ hợp công trình kiến trúc văn hóa tín ngưỡng Cẩm Hà cung và Hải Bình cung, dân gian thường gọi là chùa Bà Mụ.
Di tích từng giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của cộng đồng dân cư Hội An nói chung và cộng đồng làng Minh Hương nói riêng.
Cẩm Hà cung thờ Bảo Sanh Đại Đế và phối thờ 36 vị tướng. Hải Bình cung thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và phối thờ 12 Bà Mụ. Tín ngưỡng này gắn với ước mơ về cuộc sống bình an, hạnh phúc, con cháu sum vầy của cư dân Hội An trước đây cũng như ngày nay.
Di tích nguyên được khởi dựng vào năm 1626, tại một địa điểm khác, sau đó mới dời đến địa điểm hiện nay. Năm 1848 rồi năm 1922 di tích được trùng tu lớn và định hình với quy mô hoành tráng, từng được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đánh giá là một công trình kiến trúc đẹp của Quảng Nam cùng với hai di tích khác ở Hội An là chùa Cầu và Hội quán Triều Châu.
Trải qua quá trình lịch sử và biến thiên thời gian cùng nhiều nguyên nhân, di tích bị hủy hoại chỉ còn lại hạng mục cổng ra vào.
Nhận thấy nguy cơ sụp đổ, mất đi một di tích có giá trị đặc biệt cũng như xác định tầm quan trọng của việc giữ gìn di tích gắn với bảo tồn giá trị khu di sản văn hóa thế giới, thành phố Hội An đã lập dự án trình cấp có thẩm quyền để tu bổ, cứu nguy di tích.
Nội dung đầu tư tu bổ gồm 3 hạng mục (được chia thành 3 giai đoạn) gồm: giải phóng mặt bằng, trùng tu Tam quan và tôn tạo cảnh quan di tích. Việc trùng tu được triển khai từ năm 2016, đến nay hoàn thành với kinh phí đền bù giải tỏa 24 hộ dân bằng 6,5 tỉ đồng, trùng tu, tôn tạo hơn 5,3 tỉ đồng.
Điểm tham quan mới - di tích chùa Bà Mụ với không gian thoáng đãng, hồ nước, hệ thống bồn hoa, cây xanh, thảm cỏ, đường đi dạo, hệ thống chiếu sáng và nhà vệ sinh công cộng đảm bảo phục vụ du khách tham quan khi đến với Hội An.
Đặc biệt, kiến trúc tam quan được tu bổ nguyên trạng giúp du khách cảm nhận được hết vẻ đẹp của các chi tiết kiến trúc.