Bộ Nội vụ vừa phối hợp với UBND TP HCM và Tổng Lãnh sự quán Pháp tổ chức triển lãm "Dấu ấn kiến trúc Pháp ở Sài Gòn – TP HCM" nhân dịp kỷ niệm kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt – Pháp.
Triển lãm trưng bày gần 300 tài liệu, hình ảnh quý hiếm của Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước và Cộng hòa Pháp như mộc bản triều Nguyễn, tài liệu về lịch sử hình thành vùng đất Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định - TP HCM, hình ảnh về công trình kiến trúc tiêu biểu do chính quyền thuộc địa Pháp xây dựng.
Khách quốc tế và người dân tham quan triển lãm.
Ngài Vincent Floreani, Tổng Lãnh sự Pháp tại TP HCM nhấn mạnh riển lãm này là một ví dụ tuyệt vời cho mối quan hệ Việt - Pháp.
Những hiện vật bản đồ, mộc bản thời chúa Nguyễn Phúc Chu với nội dung sai Nguyễn Hữu Cảnh vào nam kinh lược lập phủ Gia Định năm 1698.
"Là người sinh ra và lớn lên ở thành phố nên nghe có triển lãm này, tôi tìm tới để chiêm ngưỡng, hiểu thêm về quy hoạch kiến trúc xưa và nay", Tuấn Phát, sinh viên sư phạm nói, vừa chỉ tay vào khu vực mình đang sống trong bản vẽ Sài Gòn – Chợ Lớn năm 1943.
Góc trưng bày hình ảnh về Dinh Độc Lập, trước đây là Dinh Toàn quyền Đông Dương, công trình biểu thị cho vị thế của đế quốc Pháp ở Viễn Đông. Công trình khởi công xây dựng năm 1868 tiêu tốn hàng triệu franc. Trải qua thăng trầm lịch sử, ngày nay Dinh được giao Văn phòng Chính phủ quản lý, nhằm phục vụ các hoạt động đối nội, đối ngoại cấp cao và phục vụ khách du lich tham quan. Đây cũng là một trong những địa điểm du lịch thu hút khách nhất thành phố.
Du khách Pháp ghi lại tư liệu về Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện được xây dựng và thành lập năm 1900 trên khu đất 50.000 m2 với các tòa nhà kiểu Pháp cao 2 tầng.
Hình ảnh mặt trước và sau của Nhà thờ Đức Bà xây dựng năm 1877. Nhà thờ hoàn thành sau 3 năm và được Tòa thánh Vatican phong lên hàng tiểu Vương cung Thánh đường từ năm 1959. Công trình dài 93 m, rộng 35 m và cao 75 m nằm ngay trung tâm quận 1. Đây là công trình kiến trúc đặc sắc từ thời Pháp thuộc do kiến trúc sư J.Bourard thiết kế. Toàn bộ vật liệu xây dựng từ xi măng, sắt thép đến ốc vít được cho là mang từ Pháp sang.
Lễ khánh thành tuyến xe điện Sài Gòn vào năm 1866 và 1879. Trong những năm đầu, do chưa xây dựng nhà máy điện, người Pháp sử dụng các đầu tàu hơi nước, kéo 1 - 2 toa tàu làm phương tiện giao thông công cộng. Sau khi xây dựng và vận hành nhà máy điện Chợ Quán (năm 1896), người Pháp triển khai việc điện hóa hệ thống đường sắt nội đô. Năm 1923, tuyến xe điện đầu tiên được đưa vào khai thác, từ đó định hình hệ thống xe điện ở Sài Gòn. Sau năm 1975, một số tuyến đường sắt xe điện còn tồn tại trên các đường phố. Nhưng dần dần bị tháo bỏ, một số tuyến còn lại được giao cho Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chuyển đổi thành đường sắt chạy tàu hỏa. Đến nay, hệ thống xe điện Sài Gòn gần như không còn.
Trong khuôn viên triển lãm còn trưng bày các bức tượng mang đậm phong cách điêu khắc - hội họa cổ điển của nước Pháp, biểu thị cho tự do, công lý và trí tuệ.
Nguyễn Thành