Với mục đích cụ thể hóa đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Huế, Chính phủ Hàn Quốc, thông qua tổ chức KOICA tài trợ cho TP Huế thực hiện dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương với tổng kinh phí hỗ trợ không hoàn lại là 6 triệu USD. Trong đó, kinh phí lập quy hoạch chi tiết hai bên bờ sông Hương là 3 triệu USD và kinh phí thực hiện dự án thí điểm là 3 triệu USD. Dự án “Xây dựng mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, thành phố Huế” là dự án thí điểm.
Cây cầu làm bằng gỗ lim nhập khẩu là dự án thí điểm có tổng kinh phí 52,9 tỷ đồng được KOICA tài trợ không hoàn lại.
Cầu đi bộ dài 400m, rộng 4m được lắp ráp từ 16.000 thanh gỗ lim Nam Phi tạo điểm nhấn bên bờ sông Hương thơ mộng
Dự án thí điểm được KOICA tài trợ không hoàn lại thuộc công trình hạ tầng kỹ thuật cấp IV do Viện nghiên cứu Han-A và Công ty Kỹ thuật Dohwa của Hàn Quốc nghiên cứu tư vấn; Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế làm nhà thầu thi công xây lắp. Dự án có tổng kinh phí 52,9 tỷ đồng gồm các hạng mục như: cầu đi bộ, sàn lát gỗ lim; bến thuyền; sân khấu biểu diễn ngoài trời; hệ thống giao thông, đường đi bộ dọc bờ sông nối từ khu vực cầu Phú Xuân đến nhà hàng Festival; hệ thống chiếu sáng và các hạng mục phụ trợ khác.
Dự án cầu gỗ lim sẽ được hoàn thiện và đưa vào sử dụng vào cuối tháng 10 năm nay.
Các bạn trẻ là học sinh, sinh viên háo hức đến tham quan, chụp hình lưu niệm trên cây cầu gỗ lim “siêu sang”.
Trong đó, hạng mục cầu đi bộ dài 400m, rộng 4m được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông ly tâm D400, mặt sàn được lát gỗ lim (loại gỗ có quota nhập khẩu chính ngạch, hợp pháp từ Nam Phi) dày 5cm với tổng diện tích lát gỗ lim hơn 2.400m2 với chi phí trên 5,7 tỷ đồng nhằm kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ cầu Trường Tiền đến công viên Lý Tự Trọng, TP Huế phục vụ khách du lịch vui chơi, ngắm cảnh.
Cầu gỗ lim tạo nên điểm nhấn thú vị, hấp dẫn du khách khi đến Cố đô Huế.
Sau thời gian dài thi công, những ngày trung tuần tháng 10 này, các công nhân đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện những công việc cuối cùng như lắp đặt hệ thống điện, đèn chiếu sáng, bố trí cây cảnh. Và dự kiến cuối tháng 10-2018, cầu đi bộ bằng gỗ lim sẽ chính thức được đưa vào sử dụng.
Các hạng mục được trang trí bằng sành sứ bên cầu gỗ lim.
Mặt cầu lát gỗ lim và được bắn ốc vít để bảo đảm độ chắc chắn.
Trước đó, dư luận ở Cố đô Huế xôn xao khi vật liệu gỗ lim dùng lát sàn cho mặt cầu bị phát hiện nứt nẻ từ những vết rạn chân chim đến những vệt nứt lớn trên bề mặt thớ gỗ. Trước hiện tượng này, Ban quản lý dự án KOICA và đơn vị thi công khẳng định những vết nứt gỗ hoàn toàn không ảnh hưởng đến chất lượng công trình. Bởi lẽ, trong tổng số 16.000 thanh gỗ lim được lắp ráp, tỷ lệ cho phép thanh gỗ được loại bỏ thay thế là 5%, tức bằng 800 thanh gỗ.
Hiện dư luận đang lo ngại cầu gỗ lim sẽ bị ảnh hưởng vào mùa mưa lũ khi nước sông Hương dâng cao.
Công nhân điện lực đang lắp đặt hệ thống chiếu sáng trên cầu.
Toàn cảnh cây cầu gỗ lim 'tiền tỷ' ở xứ Huế.
Ông Nguyễn Việt Bằng, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án KOICA cho biết, việc Ban quản lý dự án quyết định chọn gỗ lim để lát sàn tại dự án thí điểm xây dựng đường đi bộ bờ sông Hương nhằm mục đích tạo nên một công trình độc đáo mang lại điểm nhấn cho TP Huế, góp phần xây dựng một địa chỉ tham quan thú vị, hấp dẫn bên bờ sông Hương đối với du khách.