Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng lớn đến sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân, ngày 01/7/2021 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Mục tiêu nhằm hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.
Về nội dung hỗ trợ, Chính phủ quyết nghị thực hiện 12 chính sách hỗ trợ cho nhiều đối tượng khác nhau, như chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; chính sách hỗ trợ người lao động ngừng việc; chính sách hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; chính sách hỗ trợ bổ sung và trẻ em…
Đáng chú ý, Chính phủ quyết định hỗ trợ một lần 3.710.00 đồng/người đối với hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề hướng dẫn du lịch bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trong thời gian từ ngày 01/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021. Đồng thời, Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn, tổ chức triển khai chính sách hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch theo qui định tại Nghị quyết này.
Bên cạnh đó, Chính phủ còn ban hành một số nội dung hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương tính từ ngày 1/5/2021 đến hết ngày 31/12/2021 được hỗ trợ một lần từ mức 1.855.000 đồng/người đến mức 3.710.000 đồng/người (tùy theo thời gian bị ảnh hưởng). Chính sách hỗ trợ đối với người lao động ngừng việc, người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc do phải cách ly y tế hoặc trong các khu vực bị phong tỏa theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ 14 ngày trở lên trong thời gian từ 1/5/2021 đến hết 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc tính đến thời điểm ngay trước khi ngừng việc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.
Hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập… phải dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến hết 31/12/2021; đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp thì được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.
Đối với lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) và một số đối tượng đặc thù khác thì căn cứ điều kiện cụ thể và khả năng ngân sách của địa phương, các tỉnh, thành phố xây dựng tiêu chí, xác định đối tượng, mức tiền hỗ trợ nhưng không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần hoặc 50.000 đồng/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.
Nghị quyết Chính phủ cũng đưa ra một số chính sách để hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Cụ thể như, về chính sách hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ tay nghề với mức tối đa là 1.500.000 đồng/người lao động/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng. Đối với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1/5/2021 đến ngày 31/12/2021 theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng, chống dịch COVID-19 được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ. Ngoài ra, đơn vị sử dụng lao động còn được vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi để trả lương và phục hồi sản xuất...
Về nguyên tắc, Nghị quyết nêu rõ, việc hỗ trợ phải bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện. Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 Mục II Nghị quyết này) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ đối tượng tự nguyện không tham gia.
Đồng thời phải phát huy tính chủ động của các cấp, các ngành, địa phương, căn cứ vào điều kiện cụ thể để linh hoạt triển khai, đảm bảo mục tiêu, nguyên tắc và kịp thời các chính sách hỗ trợ.
Trung tâm Thông tin du lịch