Tại buổi làm việc với Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh vào ngày 24/5, các doanh nghiệp lữ hành đã thống nhất tạm dừng quảng cáo và tổ chức tour đi Mỹ tiêm vắc-xin kết hợp với du lịch đến hết năm 2021, chờ đến năm 2022 để theo dõi diễn biến dịch bệnh và rà soát đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Thời gian qua, một số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đã quảng cáo chào bán tour đi Mỹ tiêm vắc-xin kết hợp với du lịch. Vấn đề này nhận được sự quan tâm của dư luận liên quan đến việc đảm bảo quyền lợi của khách khi mua tour.
Trước tình hình đó, Tổng cục Du lịch đã yêu cầu Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh sớm có buổi làm việc với các doanh nghiệp, làm rõ quy trình, thủ tục giữa khách hàng và doanh nghiệp, tránh ảnh hưởng tới quyền lợi của khách.
Tại buổi làm việc, các doanh nghiệp cho biết, hiện nay các chương trình này được đưa ra chủ yếu là để khảo sát thị trường, thăm dò nhu cầu của khách hàng, trước mắt hướng tới khách hàng có nhu cầu thăm người thân ở Mỹ kết hợp tiêm vắc-xin.
Trước tình hình dịch Covid-19 còn đang diễn biến phức tạp cùng với một số khó khăn trong việc triển khai tour tiêm vắc-xin kết hợp với du lịch theo khuyến cáo của Sở Du lịch, các doanh nghiệp đã thống nhất tạm dừng quảng cáo tổ chức chương trình này đến hết năm 2021 và chờ sang năm 2022 sau khi xem xét, rà soát các điều khoản trong hợp đồng giữa doanh nghiệp và khách hàng, đảm bảo quyền lợi của khách hàng, tránh phát sinh những tình huống rủi ro xảy ra.
Trước đó, ngày 23/5, ông Nguyễn Quý Phương, Vụ trưởng Vụ Lữ hành (Tổng cục Du lịch) đã khuyến cáo du khách cần thận trọng trong việc đăng ký tham gia chương trình du lịch nước ngoài kết hợp tiêm vắc-xin trong thời điểm hiện tại.
Điểm chung của các tour này là giá rất cao, nhưng rất ít tour trọn gói; vẫn chủ yếu là bán phòng khách sạn và vé máy bay cho khách đi tự do (Free & Easy), có tour chỉ vé chiều đi, không bao gồm vé chiều về; việc tiêm vắc-xin cũng rất chung chung, không có gì đảm bảo chắc chắn nhu cầu của khách sẽ được đáp ứng, ông Phương cho biết.
Ông nhấn mạnh, việc xét duyệt nhập cảnh ngày càng chặt chẽ, nhất là trong tình hình dịch đang có chiều hướng gia tăng ở nhiều quốc gia. Công ty tổ chức tour có cam kết với khách hàng đảm bảo đưa khách về nước khi tour kết thúc theo đúng lịch trình hay không? Có những tình huống bất khả kháng, không thể có chuyến bay phục vụ khách, du khách có thể bị mắc kẹt ở nước ngoài không về được. Lúc đó, trách nhiệm của doanh nghiệp với khách như thế nào? Bên cạnh đó là những rủi ro, phức tạp có thể phát sinh đối với du khách trong thời gian ở nước ngoài.
Mặt khác, ngay từ đầu năm 2020 khi dịch Covid-19 xuất hiện, Tổng cục Du lịch đã ban hành nhiều văn bản về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành không được đưa khách du lịch Việt Nam đến các vùng có dịch.
Do vậy, lãnh đạo Vụ Lữ hành cho rằng, trong bối cảnh hiện nay tổ chức tour ra nước ngoài tiêm vắc-xin kết hợp với du lịch là không khả thi.
Trong gần 18 tháng qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành Du lịch Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt là doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế. Theo thống kê, do ảnh hưởng của dịch bệnh có tới 95% doanh nghiệp kinh doanh lữ hành quốc tế đã phải tạm dừng hoạt động. Việc nắm bắt những cơ hội để xây dựng sản phẩm, phục hồi hoạt động là nhu cầu tất yếu, thể hiện sự chủ động, linh hoạt của các doanh nghiệp trước tình hình khó khăn.
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tình hình dịch bệnh còn đang diễn biến rất phức tạp, quy định về chống dịch của mỗi nước cũng khác nhau. Các doanh nghiệp cần tiếp tục theo dõi sát diễn biến dịch bệnh, nghiên cứu kỹ cách làm phù hợp, đảm bảo tính pháp lý và trên hết là bảo đảm quyền lợi của khách du lịch trong mọi tình huống.
Trung tâm Thông tin du lịch