Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh thất nghiệp hoặc tạm thời nghỉ việc vì dịch bệnh, các hướng dẫn viên du lịch đã phải xoay xở đủ nghề như chạy xe ôm, bán hàng online, bán bánh mì… để mưu sinh.
Là hướng dẫn viên du lịch đã gần 5 năm nay, anh Trịnh Đức Mạnh (Đống Đa, Hà Nội) cho biết chưa bao giờ đối mặt với tình trạng thất nghiệp dài đến thế. Vốn trước đây phải đi lại nhiều nơi nhưng đã gần 1 năm nay, anh Mạnh phải tìm cách chuyển sang bán hàng online để có tiền trang trải cuộc sống.
Nguyên nhân đến từ ảnh hưởng của đại dịch, khách đi tour đều hủy, công ty cũng gần như tạm dừng hoạt động trong một thời gian dài. Theo anh Mạnh, nếu là nhân viên chính thức thì sẽ được công ty hỗ trợ một khoản tiền nhỏ, nhưng hầu hết mọi người đều xin nghỉ tạm thời không lương để chia sẻ khó khăn với công ty trong giai đoạn dịch bệnh.
Không chỉ riêng anh Mạnh, nhiều hướng dẫn viên du lịch và nhân sự trong ngành này cũng đang phải tìm những lối mưu sinh riêng.
Du lịch là một trong những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch Covid-19 |
Ghi nhận trong thực tế cho thấy, trải qua năm 2020 với những khó khăn chưa từng có, 95% trong số 2.667 doanh nghiệp lữ hành quốc tế phải dừng hoạt động; 30.000 cơ sở lưu trú du lịch với 650.000 buồng nhưng công suất phòng chỉ đạt tối đa 20-25%. Hàng nghìn cơ sở lưu trú phải đóng cửa vì không có khách hoặc công suất phòng quá thấp. Gần 2 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong ngành du lịch bị ảnh hưởng do mất việc, giãn việc hoặc giảm thu nhập.
Anh Nguyễn Xuân Quang (trú tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên, Hà Nội) đã hơn 10 năm là hướng dẫn viên tự do. Mỗi dịp đầu năm, anh thường tổ chức tour đi thăm chùa xung quanh các tỉnh miền Bắc. Nhu cầu du xuân của người dân năm nào cũng tăng, mọi năm anh đều khai xuân từ rất sớm, chạy hết công suất cả ngày mới đủ chuyến phục vụ khách.
Tuy nhiên, sau năm 2020 đầy khó khăn, những tưởng dịp du xuân đầu năm nay sẽ giúp tình hình khả quan hơn nhưng dịch bệnh lại bùng phát khiến các hoạt động lễ hội, văn hóa đều bị dừng, khách du xuân vì thế gần như không có.
Tiếp tục không có nguồn thu, anh Quang phải chuyển sang nhận hợp đồng đưa đón học sinh đến trường quanh khu vực nội thành Hà Nội. Tuy nhiên, công việc này chỉ mang tính tạm thời, phần nào giúp anh có thu nhập trang trải cuộc sống.
Không được may mắn như anh Quang, anh Nguyễn Xuân Bắc (Hoàng Mai, Hà Nội) đang phải tính đến chuyện bán xe vì không có thu nhập trong nhiều tháng trời. Anh Bắc tâm sự, gần hai năm trước, thấy công việc nhận chở khách đi du lịch đem đến nguồn thu nhập ổn định, anh đã quyết định vay tiền để mua xe trả góp. Trong năm đầu tiên, tuy thu nhập không quá cao nhưng cũng giúp gia đình anh có một khoản tiền ổn định, vừa trang trải cuộc sống, vừa trả góp tiền mua xe.
Thế nhưng gần một năm nay, khách đặt xe thưa dần, có thời điểm cả tháng không có khách, khoản trả góp vẫn phải nộp đúng hạn mỗi tháng. Anh Bắc buộc phải tính đến chuyện bán xe, chuyển sang chạy xe ôm công nghệ để có thu nhập.
Một số hướng dẫn viên du lịch khác cũng cho biết đã chuyển sang bán đồ ăn, quần áo online hoặc nhận trông trẻ hộ để mưu sinh trong thời gian thất nghiệp.
Là trụ cột chính trong gia đình có 2 con nhỏ, anh Nguyễn Đức Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết đã dùng khoản tiền tiết kiệm còn lại của mình để mua một xe đẩy đi bán bánh mì ở gần nhà.
Dù số tiền lãi một ngày chỉ được 100 - 200 nghìn đồng nhưng cũng phần nào giúp anh có nguồn thu để lo cho gia đình.
“Mình mong tình hình dịch bệnh sớm được kiểm soát, du lịch sẽ phục hồi và dần dần trở lại để mình có thể được tiếp tục công việc”, anh Linh chia sẻ.
Vốn là đại lý bán vé máy bay, chị Lan (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại, chị đã phải hoàn toàn bộ vé máy bay do khách hủy vào đầu năm 2021.
Từ một hướng dẫn viên kiêm bán vé và tour du lịch, chị Lan phải đổi sang nghề cộng tác bán nước hoa ngoại. Những mặt hàng cao cấp này có thể đem lại lợi nhuận hấp dẫn trên từng sản phẩm, tuy nhiên để tìm được người mua không phải dễ. Nhất là trong bối cảnh mọi người đều thắt chặt chi tiêu.
Chị Lan tâm sự: “Tôi vẫn có niềm tin rằng dịch sẽ được kiểm soát và khi mùa hè, mùa du lịch đến, tôi sẽ có thể tiếp tục bán tour du lịch và vé máy bay. Hiện nay việc bán hàng này không ổn định. Có tháng tôi không bán được lọ nước hoa nào, lại phải lấy tiền tiết kiệm ra tiêu nên tôi rất lo lắng”.
Theo chia sẻ của đại diện một số công ty du lịch, thời gian để ngành du lịch có thể phục hồi phụ thuộc vào diễn biến tiếp theo của dịch bệnh. Việc có vaccine sẽ giúp cho mọi người có tâm lý an toàn, thoải mái hơn, dự báo việc cấm vận của các nước cũng sẽ được nới lỏng.
Tuy nhiên, để du lịch có thể phục hồi một cách mạnh mẽ, chắc chắn phải mất từ 1 - 2 năm. Trong khoảng thời gian này, những hướng dẫn viên du lịch vẫn tiếp tục phải tìm cách để mưu sinh và sẵn sàng quay trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát.
Hạ Anh
Thời báo ngân hàng