Thiệt hại nặng nề

Tiếp nối đà tăng trưởng cao 22,7% trong giai đoạn 2015 - 2019, ngành Du lịch bước vào năm 2020 đón lượng khách quốc tế kỷ lục trong tháng 1, đạt 2 triệu lượt, tăng 32,8% so với cùng kỳ 2019. Du lịch Việt Nam đã kỳ vọng vào một năm thành công, vượt chỉ tiêu đón 20 triệu lượt khách quốc tế năm 2020 theo Nghị quyết 08-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thế nhưng, từ tháng 2/2020, dịch COVID-19 bùng phát trên thế giới đã ngay lập tức ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành Du lịch. Ngành Du lịch Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn chưa từng xảy ra trước đó. Kể từ tháng 3/2020, Việt Nam ngừng hoạt động đón khách quốc tế, chỉ còn hoạt động du lịch trong nước. Nhưng thị trường du lịch trong nước cũng bị ảnh hưởng bởi các đợt giãn cách xã hội khi dịch bùng phát.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, trước ảnh hưởng của dịch COVID-19, ngành Du lịch thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng thiệt hại nặng nề. Năm 2020, nhiều kế hoạch hầu như không thực hiện được, chỉ tiêu đặt ra đều giảm mạnh: Lượng khách quốc tế cả năm 2020 ước chỉ đạt 3,8 triệu lượt, giảm gần 80% so với năm 2019; khách du lịch trong nước cũng giảm gần 50%; tổng thu du lịch cả nước thiệt hại lên đến 530 nghìn tỷ đồng (tương đương 23 tỷ USD)...

Năm 2021, thị trường nội địa sẽ là đòn bẩy quan trọng để du lịch phục hồi. (Ảnh: GH)

Năm 2020, cả nước có 3.339 doanh nghiệp lữ hành, trong đó có 2.519 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, 820 doanh nghiệp lữ hành nội địa, nhưng 90 - 95% các doanh nghiệp lữ hành tạm dừng hoạt động. Cũng trong năm 2020 có 201 công ty lữ hành xin cấp mới giấy phép nhưng có tới 338 công ty xin thu hồi giấy phép. Các công ty lữ hành quốc tế chuyển hết sang kinh doanh lữ hành nội địa. 26.721 hướng dẫn viên, với 16.965 cũng chuyển sang hướng dẫn nội địa hoặc chuyển nghề. Hơn 30.000 cơ sở lưu trú với 650.000 phòng trên cả nước nhưng công suất phòng chỉ đạt 20 - 25% ở các tỉnh, thành phố; một số địa bàn du lịch trọng điểm, nhiều khách sạn buộc phải đóng cửa hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng vì không cầm cự nổi.

Theo báo cáo từ các địa phương, mặc dù đã chủ động ứng phó với đại dịch COVID-19 nhưng tác động của dịch COVID-19 vẫn hết sức nặng nề. Thành phố Hồ Chí Minh đón 1,3 triệu lượt khách quốc tế (giảm 85% so với năm 2019), Khánh Hoà đón 1,2 triệu lượt khách (giảm 82,3%), trong đó khách quốc tế chỉ đạt 435.000 lượt (giảm 87,8%), Đà Nẵng chỉ đón khách 881.000 lượt khách quốc tế (giảm 69,2%), Quảng Ninh đón 536.000 lượt khách quốc tế (giảm 90,6%)…

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên một số các sự kiện quảng bá, xúc tiến điểm đến trong kế hoạch công tác năm 2020 đã không thực hiện được như: Năm Du lịch quốc gia 2020 - Ninh Bình chuyển sang năm 2021 thực hiện; quảng bá nhân sự kiện giải đua xe F1; Hội chợ WTM (Anh), MITT (Nga), ITB (Đức), ITE (TP.HCM)….

Thị trường nội địa sẽ là đòn bẩy quan trọng để du lịch phục hồi

Tổ chức Du lịch thế giới dự báo du lịch quốc tế sẽ phải mất từ 3 - 4 năm để phục hồi. Trong khi đó, lúc này, đại dịch COVID-19 đã bào mòn năng lực của doanh nghiệp, phần lớn các doanh nghiệp du lịch đang gặp khó khăn về tài chính để khôi phục hoạt động, nhiều doanh nghiệp chuyển nhượng hoặc chuyển hướng kinh doanh; thu nhập người lao động bị giảm, tâm lý hạn chế chi tiêu ảnh hưởng lớn tới tiêu dùng du lịch của đại bộ phận người dân, nhu cầu thị trường giảm sút; nhiều chính sách hỗ trợ dù đã có chủ trương nhưng chưa đến được với doanh nghiệp và người lao động trong ngành Du lịch.

Điều này buộc ngành Du lịch phải chuyển hướng vào tập trung phát triển du lịch nội địa. Du lịch phải cùng lúc thực hiện "nhiệm vụ kép": vừa bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người dân vừa duy trì sản xuất, kinh doanh. Theo nhận định của các chuyên gia, trong năm 2021, du lịch nội địa sẽ là đòn bẩy quan trọng để ngành phục hồi sau "bão" COVID-19, trong đó yếu tố an toàn vẫn được các doanh nghiệp lữ hành và du khách đặt lên hàng đầu.

Để đáp ứng nhu cầu thực tế hiện nay, các địa phương, doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến xu hướng du lịch mới để có những thay đổi cho phù hợp. Nhu cầu của khách hàng hoàn toàn thay đổi sau dịch COVID-19, khách đi ngắn ngày, đi nhiều lần, đi nhóm nhỏ, quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe, sản phẩm combo (máy bay và phòng khách sạn)… Chính vì vậy, năm 2021, các nhà đầu tư và doanh nghiệp cũng sẽ thay đổi theo xu hướng của khách hàng. Những điểm đến từng “hot” tập trung đông khách, có những khách sạn và khu nghỉ dưỡng hàng nghìn phòng sẽ không còn hấp dẫn các nhà đầu tư. Họ bắt đầu tìm đến các điểm đến mới, bắt đầu phân ra các khu riêng biệt, đa dạng hóa dịch vụ chuyên biệt. Họ không đầu tư theo quy mô lớn mà nhỏ, phân tán nhưng kết nối với nhau.

Các sản phẩm du lịch hướng đến sức khỏe con người, các loại hình du lịch thể thao, chữa bệnh, sinh thái, yoga, du lịch gần gũi với thiên nhiên sẽ lên ngôi và ngày càng trở nên quan trọng hơn sau đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, các sản phẩm du lịch cũng sẽ đi vào có chiều sâu bởi du khách hướng vào các loại hình du lịch có chất lượng. Các doanh nghiệp sẽ tập trung vào những hoạt động coi trọng nền tảng văn hóa bản địa.

Nhận định về kịch bản phục hồi du lịch Việt Nam trong năm 2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho rằng, ngành Du lịch định hướng tiếp tục khai thác mạnh thị trường nội địa, chú trọng phát huy liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp theo phương châm "Liên kết, hành động và phát triển". Ngoài ra, năm 2021, ngành Du lịch đề ra 5 nhiệm vụ chính, trong đó tiếp tục tập trung tăng cường truyền thông và triển khai ứng dụng các tiêu chí du lịch an toàn; tiếp tục đề xuất và phối hợp triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đối với doanh nghiệp du lịch; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch; tăng cường xúc tiến thị trường du lịch trong nước, duy trì quảng bá ra thị trường du lịch nước ngoài; tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch…

 
Gia Huy