Dịch Covid-19 diễn ra năm 2020 đã tác động mạnh đến nền kinh tế Việt Nam, trong đó, ngành Du lịch bị ảnh hưởng rất nặng nề. Các lệnh cấm bay, hạn chế đi lại và sự e ngại của du khách do lo sợ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến nhiều khách sạn, nhà hàng và chuỗi bán lẻ tại các điểm du lịch trở nên vắng khách, doanh thu ngành du lịch sụt giảm mạnh. Theo các chuyên gia dự báo, năm 2020, du lịch Việt Nam không đạt mục tiêu đón 20,5 triệu lượt khách quốc tế. Sự phục hồi của du lịch Việt Nam sẽ phải phụ thuộc vào thời điểm dịch Covid-19 được kiểm soát trên thế giới.
Nhìn lại tác động của dịch Covid-19 đối với du lịch Việt Nam
Dịch Covid-19 diễn ra vào đúng mùa cao điểm du lịch của khách quốc tế và cũng là mùa du lịch lễ hội, tâm linh của khách nội địa sau dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán, vì vậy, du lịch là ngành chịu tác động đầu tiên, kéo dài và chịu thiệt hại nặng nề nhất qua hai đợt bùng phát của dịch.
ảnh minh họa
Nhìn lại tác động của dịch Covid-19 đối với du lịch Việt Nam có thể thấy khi dịch xảy ra, lệnh cấm và hạn chế đi lại đã được áp dụng cho tất cả các điểm du lịch. Các hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà nghỉ, nhà hàng và giao thông hầu hết bị hoãn lại do lệnh đóng cửa trên toàn quốc. Ngoài ra, ngành Hàng không cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi hàng loạt các chuyến bay nội địa và quốc tế đến và đi từ Việt Nam đều bị hủy. Lượng khách quốc tế chỉ có vào thời điểm tháng 1 và 2, từ tháng 3 hầu như không có khách. Khách du lịch nội địa cũng giảm mạnh do diễn biến phức tạp của dịch bệnh và Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội. Doanh nghiệp du lịch gặp khó khăn khiến không ít nhân viên ngành Du lịch mất việc làm giảm, thậm chí không có thu nhập… Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 giảm mạnh chỉ đạt gần 450.000 lượt khách, giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019 và giảm 63,8% so với tháng 2. Tổng lượt khách của cả quý I/2020 đạt 3,7 triệu lượt khách, giảm hơn 18% so cùng kỳ; Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống trong kỳ ước đạt 126.200 tỷ đồng, tương đương 10% tổng doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ của cả nước, giảm 9,6% so với quý I/2019; Doanh thu du lịch lữ hành quý I/2020 ước đạt 7.800 tỷ đồng, chiếm 0,6% tổng mức và giảm 27,8%.
Sau làn sóng Covid-19 thứ nhất, Chính phủ đã chỉ đạo đẩy mạnh du lịch nội địa và mở cửa du lịch quốc tế khi đảm bảo điều kiện cho phép. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thực hiện chương trình kích cầu du lịch nội địa “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” và đã có một số kết quả tích cực. Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng đã nhanh nhạy đưa ra các sản phẩm hấp dẫn với mức giá được coi là “thấp chưa từng có”, cam kết chất lượng đảm bảo để thu hút khách nội địa. Hình thành các mối liên kết giữa hàng không, đơn vị lữ hành, nhà hàng khách sạn, điểm đến đã tạo chương trình kích cầu nội có mức giảm giá sâu hơn, nhiều điểm hấp dẫn thu hút được khách du lịch nội địa. Về phía Hiệp hội Du lịch Việt Nam, ngay từ tháng 2/2020 đã triển khai chương trình kích cầu và đưa ra quy chế du lịch an toàn được các đơn vị, doanh nghiệp du lịch hưởng ứng. Tiếp đó, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa trên toàn quốc với chủ đề “Du lịch Việt Nam - Điểm đến sáng tươi” gồm 2 giai đoạn (từ ngày 15/5 - 15/7 và từ ngày 15/7 đến hết năm 2020). Chương trình này có nguyên tắc kích cầu là phải bảo đảm an toàn cho du khách, giảm giá nhưng không được giảm chất lượng dịch vụ hoặc giữ giá nhưng tăng thêm dịch vụ. Các sản phẩm kích cầu chú trọng tính mới, độc đáo, giá thành thấp và có thêm khuyến mãi đa dạng... Nhờ những nỗ lực của cả hệ thống, dù vẫn còn tâm lý e ngại của người dân, nhưng du lịch nội địa đã ghi nhận những tín hiệu đáng mừng. Trong kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5, nhiều khu, điểm đến du lịch đã mở cửa, tiếp đón hàng nghìn du khách.
ảnh minh họa
Tuy nhiên sau đó, vào tháng 7, ngành du lịch Việt Nam lại tiếp tục đối mặt khó khăn khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại trong cộng đồng tại một số địa phương trên cả nước. Sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 đã nhanh chóng khiến tình hình du lịch trong nước có những diễn biến tiêu cực. Một số địa phương vốn không có ca bệnh hoặc không liên quan đến ca bệnh cũng bị ảnh hưởng tiêu cực ngay sau khi dịch tái bùng phát. Các doanh nghiệp du lịch chưa kịp phục hồi sau đợt dịch lần 1 thì lại phải hứng chịu đợt dịch Covid-19 thứ 2 khiến doanh nghiệp đã khó khăn càng thêm khó khăn hơn. Các góỉ kích cầu du lịch gần như bị đóng băng do số lượng khách huỷ tour tăng đột ngột, trong khi đó ngành du lịch đang trong bối cảnh đã đi qua mùa du lịch cao điểm nội địa.
Để sớm phục hồi sau đợt dịch Covid-19 thứ hai, ngành du lịch tiếp tục phát động chương trình kích cầu du lịch nội địa lần 2 theo hướng đề cao yếu tố an toàn và hấp dẫn. Tổng cục Du lịch đã ban hành Bộ tiêu chí an toàn du lịch và cho ra mắt ứng dụng “Du lịch Việt Nam an toàn”. Các doanh nghiệp du lịch cũng đã tranh thủ thời gian hoạt động du lịch bị đình trệ để điều chỉnh chiến lược kinh doanh, đổi mới sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ và đào tạo nguồn nhân lực trên toàn hệ thống chuẩn bị cho đón đầu xu hướng du lịch mới; đồng thời tích cực liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để tạo nên sức mạnh. Các địa phương cùng với doanh nghiệp rà soát lại tình hình du lịch thời gian qua để có hướng đi đáp ứng nhu cầu thị trường. Sự chuyển hướng này đã bước đầu đem đến những tín hiệu lạc quan cho thị trường du lịch. Theo Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến nước ta trong tháng 11/2020 ước tính đạt 17,7 nghìn lượt người, tăng 19,6% so với tháng trước nhưng giảm 99% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2020, khách quốc tế đến nước ta ước tính đạt 3,8 triệu lượt người, giảm 76,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng Mười ước tính đạt 464,4 nghìn tỷ đồng, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Du lịch dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 3,3% so với tháng trước; Doanh thu du lịch lữ hành tăng 3,5%.
Vận tải hành khách tháng Mười một ước tính đạt 294,8 triệu lượt khách vận chuyển, tăng 2,3% so với tháng trước và luân chuyển 13,4 tỷ lượt khách.km, tăng 4,5%.
Theo các chuyên gia, du lịch là ngành chịu ảnh hưởng của đại dịch rõ ràng nhất nhưng cũng là một trong những ngành có khả năng phục hồi nhanh nhất. Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát trên thế giới, hoạt động du lịch quốc tế chưa được mở cửa trở lại, du lịch nội địa đang phục hồi dần và giữ vai trò duy trì sự ổn định của toàn ngành. Nếu nắm bắt được xu hướng du lịch mới, Việt Nam sẽ có cơ hội bứt phá, do vậy các doanh nghiệp cần chuẩn bị sẵn sàng để ngay sau khi dịch qua đi, thị trường du lịch khởi sắc, sẽ có những sản phẩm phù hợp phục vụ du khách.
Xu hướng và giải pháp phát triển du lịch trong thời gian tới
Những tác động tiêu cực của dịch Covid-19 đến ngành Du lịch năm 2020 là rất nặng nề. Tuy nhiên, dịch Covid-19 cũng gợi mở nhiều cơ hội để ngành du lịch vượt qua thách thức. Trải qua hai đợt dịch bệnh Covid-19 đã thay đổi về hành vi dẫn đến nhiều thay đổi nhu cầu của khách du lịch. Theo đó, khách du lịch có xu hướng chú trọng hơn tới các yếu tố an toàn sức khỏe, vệ sinh, bảo hiểm du lịch, tránh tiếp xúc đông người; nhu cầu đối với các kỳ nghỉ dưỡng cao cấp ở các không gian mở, biệt lập gia tăng; lựa chọn các điểm du lịch gần, cắt ngắn thời gian các kỳ nghỉ, kế hoạch đi du lịch được xây dựng sát với thời điểm chuyến đi và có thể thay đổi linh hoạt hơn trước. Thay vì ưu tiên về giá cả, khách hàng sẽ ưu tiên về an toàn và lựa chọn sản phẩm du lịch có chất lượng cao.
Việt Nam hiện đang có nhiều lợi thế khi là một quốc gia kiểm soát thành công dịch Covid-19 được các nước trên thế giới đánh giá rất cao. Đây là lợi thế để Việt Nam nâng cao hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn. Mục tiêu trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 là đưa ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực cho sự phát triển các ngành khác, phấn đấu năm 2025 đón 35 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu 1.700-1.800 tỷ đồng, đóng góp 12-14% GDP.
Để ngành Du lịch phát triển trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp như:
Một là, Nhà nước cần có những chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp trong ngành du lịch như: Miễn thuế giá trị gia tăng cho tiêu dùng du lịch và các doanh nghiệp du lịch, giảm chi phí môi trường cho các doanh nghiệp du lịch, giảm thuế khoán đối với các hộ kinh doanh du lịch cá thể, áp dụng mức giá điện theo đơn giá điện sản xuất cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, dịch vụ lưu trú du lịch thay vì áp dụng mức giá dịch vụ…
Hai là, khai thác hiệu quả tài nguyên du lịch, phù hợp với xu hướng, nhu cầu của thị trường. Đồng thời đa dạng hóa thị trường du lịch để tránh phụ thuộc vào một số thị trường nhất định, từ đó có thể hạn chế rủi ro trước những biến cố trong khu vực và thế giới.
Ba là, các doanh nghiệp cần điều chỉnh lại cách hoạt động, nghiên cứu nhu cầu thị trường để có những sản phẩm du lịch phù hợp có chất lượng; tăng cường sự liên kết để tăng sức đề kháng và phát triển mạnh mẽ; liên kết với hàng không, vận tải, khách sạn, nhà hàng... để xây dựng những gói kích cầu du lịch, đưa du lịch hồi phục nhanh sau giai đoạn khủng hoảng.
Bốn là, tăng cường xúc tiến, quảng bá, phát triển các sản phẩm mới thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là khách du lịch từ các vùng không chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh; đồng thời tập trung phát triển mạnh du lịch nội địa ở các vùng, miền của đất nước.
Năm là, các địa phương, doanh nghiệp lữ hành, du lịch, khách sạn, các hãng hàng không bên cạnh việc thực hiện các chương trình kích cầu du lịch cần tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19./.
Hùng Đạt