Tân Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ ưu tiên kích cầu du lịch nội địa, đồng thời đề xuất Chính phủ thí điểm mở cửa đón khách quốc tế đến một số địa điểm.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng. Ảnh: Trần Huấn
- Ông dự kiến đưa ra những quyết sách gì để tạo bước đột phá cho ngành?
- Các vấn đề về văn hóa, thể thao, du lịch liên quan trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân, nên luôn được mọi người quan tâm. Nếu không có quyết tâm lớn, biện pháp tổ chức hiệu quả thì khó đáp ứng được mong đợi của Đảng, Nhà nước và sự kỳ vọng của nhân dân. Đây là áp lực rất lớn đối với Bộ cũng như cá nhân tôi. Chính vì vậy, tôi cùng lãnh đạo Bộ đang tập trung xây dựng các chương trình hành động cụ thể nhất cho nhiệm kỳ 5 năm tới theo hướng tích cực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm.
Tuy nhiên, để thực thi các nhiệm vụ của ngành một cách hiệu quả không phải đơn giản, bởi văn hóa thuộc về thượng tầng kiến trúc, nhưng muốn phát triển được phải dựa trên hạ tầng cơ sở. Trong khi ngành văn hóa không làm ra được hạ tầng cơ sở, cho nên cần phải liên thông, kết nối, tương tác với các đơn vị khác. Rõ ràng có những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ. Bên cạnh đó, nguồn lực con người để làm văn hóa còn thiếu hụt, chưa ngang tầm với nhiệm vụ.
Vì vậy, Bộ xác định phải chọn từng nhóm giải pháp có tính khả thi cao để ưu tiên thực hiện. Trong đó, chúng tôi sẽ tập trung xây dựng Chiến lược văn hóa Việt Nam giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2030, trình Chính phủ phê duyệt để triển khai đồng bộ trên toàn quốc. Chiến lược sẽ được xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, để không rơi vào tình trạng khi làm chính sách thì rất hoành tráng, nhưng khi thực thi lại khó khăn...
Trong các lĩnh vực, du lịch là nhiệm vụ khó, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề, phương pháp tiếp cận phải tính toán lại, chú ý nhiều hơn các giải pháp để tập trung cho du lịch nội địa, các gói kích cầu, sản phẩm du lịch, và chuẩn bị các điều kiện đón lại khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới.
- Trong bối cảnh khó khăn đó, giải pháp trước mắt và lâu dài để kích thích tăng trưởng ngành du lịch là gì, thưa ông?
- Do đóng cửa biên giới để ngăn chặn dịch bệnh, nên năm 2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm khoảng 80% so với năm 2019. Lượng khách quốc tế đến chủ yếu vào đầu năm 2020.
Từ tháng 4/2020 đến nay, Việt Nam dừng các đường bay thương mại quốc tế, nên lượng khách quốc tế chủ yếu là chuyên gia, lao động kỹ thuật cao, nhà đầu tư... nước ngoài làm việc tại các dự án ở Việt Nam. Năm 2020, khách nội địa đạt 56 triệu lượt; tổng thu từ du lịch đạt 312.000 tỷ đồng, giảm 58% (tương đương 19 tỷ USD) so với năm 2019; khoảng 40 - 60% lao động trong ngành du lịch bị mất việc làm hoặc giảm ngày công; có những giai đoạn 95% doanh nghiệp lữ hành quốc tế ngừng hoạt động; nhiều khách sạn đóng cửa hoặc giảm công suất sử dụng phòng.
Nêu ra dẫn chứng trên để thấy ngành du lịch Việt Nam đang đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. Vì vậy, trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa mở cửa đón du khách quốc tế, thì một trong những nhiệm vụ ưu tiên của tôi thời gian tới là kích cầu du lịch nội địa. Thời gian qua, sau khi dịch bệnh trong nước được kiểm soát, du lịch nội địa đã dần tăng trưởng trở lại. Nhiều địa điểm du lịch lớn như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc... bắt đầu có khách trở lại. Tuy khách nội địa chưa thể bù đắp được nguồn thu từ lượng khách quốc tế, nhưng đã làm thị trường dần "ấm lên", giải quyết một phần khó khăn cho các doanh nghiệp lữ hành.
Chúng tôi sẽ đồng hành cùng các địa phương xây dựng các gói kích cầu, sản phẩm du lịch đặc trưng; phấn đấu mỗi tỉnh, thành có ít nhất một sản phẩm du lịch riêng, mang thương hiệu và giá trị riêng để thu hút khách. Các chương trình kích cầu du lịch nội địa như "Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam", "Du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn", sẽ được tiếp tục đẩy mạnh triển khai. Bên cạnh đó, Bộ cũng kịp thời linh hoạt trong việc chuyển đổi thị trường, cơ cấu lại thị trường khách du lịch; mở ra hướng mới để phát triển bền vững hơn.
- Vậy còn việc chuẩn bị để đón khách quốc tế trong điều kiện bình thường mới thì sao, thưa ông?
- Chúng tôi đang nghiên cứu, chuẩn bị từng bước thí điểm lựa chọn một số sản phẩm, thị trường để áp dụng hộ chiếu vaccine, tạo điều kiện đón khách đồng thời dễ dàng đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh.
Dự kiến, Việt Nam sẽ đón du khách từ các nước đã kiểm soát tốt dịch bệnh, đã triển khai tiêm vaccine đạt miễn dịch cộng đồng; nơi đến là những khu du lịch, nghỉ dưỡng có thể kiểm soát được người vào an toàn; có quy trình kiểm soát đi lại, tiếp xúc trong nước.
Về phía Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chúng tôi rất mong muốn Chính phủ sớm xem xét, áp dụng hộ chiếu vaccine, bởi đây là chìa khóa để mở cửa đón khách quốc tế. Trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài hơn một năm qua, nếu Việt Nam có thể mở cửa đón khách quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn, việc làm cho nhiều lao động trong ngành du lịch.
Chúng tôi nhận thức rõ, nếu không kịp thời tham mưu cho Chính phủ thì Việt Nam có thể bị chậm cơ hội trong cuộc cạnh tranh mở cửa đón khách quốc tế với các nước trong khu vực. Nhưng đề xuất mở cửa đón khách du lịch quốc tế phải được xây dựng theo lộ trình, có giai đoạn thí điểm và an toàn dịch bệnh luôn được ưu tiên hàng đầu.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tham mưu để lựa chọn một số địa điểm đón khách quốc tế. Nếu Chính phủ, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống Covid-19 cho phép và thí điểm thành công, đảm bảo an toàn thì sẽ nhân rộng ra các nơi khác. Đồng thời, chúng ta cần những bước chuẩn bị tích cực về sản phẩm, năng lực phục vụ, nâng cao năng lực cạnh tranh khi các hoạt động du lịch quốc tế quay trở lại, đặc biệt là việc tiêm vaccine cho những người trực tiếp tham gia phục vụ du khách.
- Các biện pháp cụ thể nào sẽ được Bộ tham mưu cho Chính phủ để đón khách quốc tế đảm bảo an toàn?
- Trước hết, rất cần sự phối hợp của Bộ Y tế trong việc xây dựng bộ công cụ để kiểm soát tất cả các du khách nhập cảnh. Nghĩa là khách đến Việt Nam phải đảm bảo đã được tiêm vaccine, có kết quả xét nghiệm PCR âm tính với nCoV. Khách cũng phải cam kết tuân thủ quy định về phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam và chỉ ở trong giới hạn của phạm vi điểm đến đã đăng ký với nhà chức trách.
Ví dụ, khách đến nghỉ dưỡng ở Phú Quốc, sẽ có những khu nghỉ dưỡng, sân golf... và các dịch vụ khác để đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, khách chỉ được di chuyển trong phạm vi nhất định trên đảo hoặc chỉ ở trên đảo, không đến nơi khác. Lý do bởi những người đã được tiêm vaccine vẫn có thể mang virus nên vẫn tiềm ẩn nguy cơ làm lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.
Để giải quyết được vấn đề nêu trên, cần phải có bộ công cụ để quản lý du khách, mà chúng tôi tạm gọi đó là "hàng rào xanh". Khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian thí điểm chỉ được ở trong phạm vi "hàng rào xanh" này. Bộ đang chỉ đạo Tổng cục Du lịch làm việc với các đơn vị liên quan, hiệp hội du lịch, doanh nghiệp... để hoàn chỉnh bộ công cụ này, báo cáo Chính phủ. Dự kiến từ nay đến cuối tháng 4, Bộ sẽ báo cáo Thủ tướng các vấn đề liên quan.
Viết Tuân