Chiều ngày 15/3, tỉnh Quảng Nam đã làm việc với lãnh đạo TP Hội An để chuẩn bị các điều kiện để phục hồi, phát triển du lịch nội địa; chuẩn bị dần các điều kiện để đón khách quốc tế.
Theo ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch TP Hội An, đại dịch Covid-19 bùng phát diện rộng trên thế giới, kéo dài và tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường đã đặt ngành du lịch Hội An, Quảng Nam trước những khó khăn, thách thức, tổn thất chưa từng có.
Hội An từ thị trường khách du lịch từ chủ yếu là khách quốc tế sang thị trường chính là khách du lịch nội địa. Tâm lý, thị hiếu, yêu cầu của khách du lịch, các yếu tố quyết định đến việc lựa chọn điểm đến... đã có nhiều thay đổi.
Gần đây đã xuất hiện sự cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ trong các hoạt động du lịch trên bình diện thế giới cũng như trong quốc gia, khu vực vùng miền và ngay trong nội bộ cơ cấu vận hành của ngành du lịch.
Sự phát triển các tổ hợp kinh doanh trong đó có hoạt động vui chơi giải trí ở phía Nam Hội An và thành phố Đà Nẵng vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội lớn để thu hút khách du lịch , kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Hội An .
"Thực tiễn cho thấy du lịch Hội An hiện đang bước vào giai đoạn cuối của chu kỳ phát triển là "trì trệ " khi hệ thống sản phẩm du lịch ít có thay đổi và dần đã trở nên "quá quen", thậm chí sẽ "nhàm chán" đối với phần lớn du khách", ông Nguyễn Văn Lanh phát biểu.
Lãnh đạo TP Hội An cũng khẳng định, hơn lúc nào hết, điểm đến an toàn là tiêu chí quyết định hàng đầu trong việc lựa chọn điểm đến do tâm lý e ngại của du khách.
Do đó, TP Hội An đề ra chương trình phục hồi du lịch sau đại dịch là tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, tạo điểm đến an toàn. Du lịch phải cùng lúc thực hiện "nhiệm vụ kép" vừa bảo đảm sức khỏe người dân, vừa duy trì sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, ngành du lịch Hội An cũng phải tính xa hơn để đón đầu khách quốc tế, với những sản phẩm mới, phù hợp ngay khi đủ điều kiện mở lại hoạt động đón khách quốc tế.
Trước mắt, Hội An lấy du lịch nội địa làm mũi nhọn và lâu dài vẫn xem du lịch nội địa là thị trường có vai trò quan trọng. Các chương trình kích cầu nội địa không chỉ nhắm tới đối tượng là người Việt Nam mà cả những người nước ngoài đang sinh sống lâu dài tại Việt Nam.
Mặt khác, Hội An cần chú trọng xu hướng du lịch tại chỗ (stay cation) đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây, nhiều cơ sở lưu trú ở Hội An tìm cách vực dậy hoạt động bằng những gói giảm giá sâu, nhắm tới đối tượng khách nội địa trải nghiệm kỳ nghỉ tại chỗ.
Chú trọng vào thị trường khách du lịch nghỉ dưỡng trung và cao cấp, nghỉ dưỡng theo gia đình gắn với mục đích tâm linh, chăm sóc sức khỏe. Đón đầu thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, trải nghiệm văn hóa và thiên nhiên.
Đa dạng hóa các thị trường khách du lịch nội địa như khách du lịch theo đoàn, khách du lịch tự đi, khách du lịch gia đình, khách du lịch theo mùa, khách du lịch MICE, du lịch kết hợp tổ chức đám cưới, lễ kỷ niệm và tuần trăng mật, khách ưa thích nghỉ dưỡng biển, thưởng ngoạn biển, vui chơi giải trí, khách từ các tỉnh, thành phố lân cận đi nghỉ cuối tuần...
Để thực hiện những điều này, Hội An cũng đề ra nhiều chương trình hấp dẫn như đẩy mạnh các hoạt động giải trí đêm, đẩy mạnh truyền thông, quảng bá xúc tiến du lịch, tiếp tục tham gia gói kích cầu, làm mới sản phẩm hiện có…
Ông Trần Văn Tân - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho rằng, du lịch là nền kinh tế "độc tôn" của Hội An, do dịch bệnh nên ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống cũng như kinh tế của Hội An. Do đó, khi dịch ổn thì phải có biện pháp kích cầu, thực hiện mục tiêu kép "vừa tập trung phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế".
"Phải làm cho du lịch Hội An an toàn. An toàn về an ninh trật tự. An toàn về môi trường như tập trung xử lý rác thải, về không khí, âm thanh…", ông Trần Văn Tân nói.
Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng, Hội An phải có cái gì mới lạ thì người ta mới đến. Do đó phải nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm, làm mới sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm… Phải mở cửa các cơ sở du lịch, các sự kiện văn hóa nghệ thuật phải thường xuyên tổ chức, duy trì hoạt động để Hội An sống dậy, phục hồi; phải có kịch bản từ nay đến hết năm 2021 và năm 2022 để Hội An phục hồi và phát triển du lịch; phát động chương trình "Người Quảng Nam đi du lịch Quảng Nam" trong dịp cuối tuần, lễ, tết…
Thanh Hà
(Nguồn: Dân trí)