Tin tức sự kiện

500 doanh nghiệp tham dự diễn đàn tìm giải pháp phục hồi, phát triển du lịch

Ngày 12/1, tại Hải Phòng, diễn đàn lữ hành toàn quốc với tên gọi “Lữ hành Việt Nam 2021- Giải pháp khôi phục và phát triển” đã thu hút sự tham gia của gần 500 doanh nghiệp lữ hành, lãnh đạo Bộ VHTT-DL, Tổng cục Du lịch và lãnh đạo nhiều sở Du lịch, hiệp hội Du lịch. Với hai phiên tọa đàm: “Lữ hành Việt Nam - Giải pháp 2021” và “Lữ hành Việt Nam hướng đến tương lai”, các đại biểu đã đề xuất một số cơ chế, chính sách đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể để xúc tiến và quảng bá ngành kinh tế mũi

500 doanh nghiệp tham dự diễn đàn tìm giải pháp phục hồi, phát triển du lịch

 
Diễn đàn lữ hành toàn quốc 2021

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 12/1, tại Hải Phòng, diễn đàn lữ hành toàn quốc với tên gọi “Lữ hành Việt Nam 2021- Giải pháp khôi phục và phát triển” đã thu hút sự tham gia của gần 500 doanh nghiệp lữ hành, lãnh đạo Bộ VHTT-DL, Tổng cục Du lịch và lãnh đạo nhiều sở Du lịch, hiệp hội Du lịch.

Với hai phiên tọa đàm: “Lữ hành Việt Nam - Giải pháp 2021” và “Lữ hành Việt Nam hướng đến tương lai”, các đại biểu đã đề xuất một số cơ chế, chính sách đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể để xúc tiến và quảng bá ngành kinh tế mũi nhọn này.

Theo Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, du lịch Việt Nam năm 2020 đã giảm gần 80% lượng khách quốc tế, 50% khách nội địa, 90% khách outbound, doanh thu giảm gần 60% so với 2019. “Thiệt hại của Covid-19 sau 1 năm chưa thể tính hết được song đây cũng là thời điểm lữ hành trở lại vai trò dẫn đầu, kết nối các dịch vụ du lịch” - Phó Chủ tịch Hiệp Hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình chia sẻ.

Chung nhận định này, Phó Chủ tịch Hiệp hội lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng cho rằng trong bối cảnh năm 2020 đa số các doanh nghiệp lữ hành giảm quy mô, hoạt động một phần, tạm thời dừng hoạt động hoặc đóng cửa và đang có xu hướng nối sang năm 2021. Tuy nhiên, dịch Covid-19 dù đã làm thay đổi hoạt động du lịch song du lịch đã trở thành nhu cầu của con người, lập kế hoạch chuyến đi luôn là điều hứng thú của du khách, chuyến đi để biết cái mới, hứng thú hơn để viết lời bình luận về những gì mình biết, tăng thêm niềm hạnh phúc, cải thiện sức khỏe và năng lượng… Bởi vậy một trong những phương châm hành động của ngành công nghiệp không khói tại thời điểm này vẫn là “linh hoạt, thích ứng và hiệu quả.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Võ Anh Tài cũng nhận định phải tới cuối năm 2023 tình hình du lịch mới có thể phục hồi. Việc mở cửa với du khách quốc tế còn nhiều thách thức. Nhưng chúng ta cần phải chuẩn bị, tận dụng mọi cơ hội để vực dậy ngành du lịch dựa trên một số đề xuất như cần khai thác tối đa lợi thế an toàn trong dịch bệnh; làm tốt công tác dự báo thị trường để góp phần triển khai các hoạt động du lịch kịp thời không bỏ lỡ các thời điểm có lợi cho phục hồi du lịch…

Cũng tại tọa đàm, nhiều ý kiến cũng đánh giá cao các giải pháp liên minh kích cầu. Tuy nhiên, kích cầu cần phải đi vào thực chất chứ không chỉ dừng lại ở hình thức. Cụ thể, như hoạt động kích cầu cần bảo đảm thời gian đủ dài và quy mô đủ lớn. Thay vì chỉ diễn ra trong một giai đoạn nhất định, chương trình kích cầu nên kéo dài hơn có thể là 1 năm hoặc 2 năm. Hoạt động kích cầu không chỉ diễn ra tại một địa phương mà cần mở rộng quy mô gồm sự liên kết của nhiều tỉnh, thành phố, tất cả các vùng trên cả nước, tùy từng thời điểm, tùy từng dòng sản phẩm đều có thể kích cầu; đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, bổ sung thêm những giá trị mới nhằm kích thích nhu cầu ngoài yếu tố giảm giá…

Ngoài ra, các đại biểu cũng nhận định, mặc dù đại dịch chưa kết thúc, nhưng niềm tin vào tương lai của ngành Du lịch, lữ hành vẫn hiện hữu trong các doanh nghiệp lữ hành. Sự sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn bùng nổ du lịch sau đại dịch Covid-19 trên nền tàng của sự khôi phục du lịch có trách nhiệm sẽ là lựa chọn của các doanh nghiệp lữ hành.

Trúc Anh