Tin tức sự kiện

Kết quả thống kê 'phủ nhận' nỗ lực giải cứu doanh nghiệp

(TBKTSG Online) - Trong những ngày qua, một trong những thông tin gây sự bất ngờ nơi cộng đồng những người làm kinh doanh, thương mại đó là việc qua 5 tháng triển khai chính sách hỗ trợ, chỉ có một doanh nghiệp trên cả nước đủ điều kiện vay gói tín dụng 16.000 tỉ đồng có lãi suất 0% để phục vụ trả lương ngừng việc cho người lao động.

Trong những ngày qua, một trong những thông tin gây sự bất ngờ nơi cộng đồng những người làm kinh doanh, thương mại đó là việc qua 5 tháng triển khai chính sách hỗ trợ, chỉ có một doanh nghiệp trên cả nước đủ điều kiện vay gói tín dụng 16.000 tỉ đồng có lãi suất 0% để phục vụ trả lương ngừng việc cho người lao động, theo thông tin Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại một hội nghị diễn ra ngày 22-9. Trong khi đó, số liệu cập nhật tình hình kinh tế xã hội mới nhất của Tổng cục Thống kê cho 8 tháng đầu năm, cho thấy số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn lên gần 34.300, tăng đến 70,8% so với cùng kỳ năm trước.

Khi được ban hành vào tháng 4-2020, đã có nhiều ý kiến đánh giá tốt và nhiều phản hồi tích cực về việc đưa gói tín dụng 16.000 tỉ đồng vào thực thi. Thế nhưng, hiện tại, những đánh giá lại tập trung vào nội dung chính sách được thiết kế không phù hợp, điều kiện khó khăn và không thực tế khiến doanh nghiệp không mặn mà tiếp cận gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng rất cần thiết này, gây nhiều lãng phí. Đáng chú ý niềm tin của doanh nghiệp thêm bị hao mòn với các dạng chính sách không đi vào thực tế như thế này.

Chỉ mới có một doanh nghiệp đủ điều kiện vay gói tín dụng 16.000 tỉ đồng. Ảnh minh họa: TL.

Tắc nghẽn trên con đường đưa chính sách vào thực tế

Tại cuộc họp báo về kết quả hoạt động ngân hàng quí 3 của Ngân hàng Nhà nước ngày 22-9, tổ chức này cho biết hiện chỉ có một doanh nghiệp được phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay gói 16.000 tỉ đồng nhưng doanh nghiệp cũng đã tự cân đối nguồn trả lương cho người lao động.

Như vậy, đến thời điểm này chưa có doanh nghiệp nào vay gói 16.000 tỉ đồng trong chương trình cho vay lãi suất 0% đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc theo Nghị quyết 42 của Chính phủ và Quyết định 15 (được ban hành vào tháng 4-2020) của Thủ tướng Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định đã ban hành đầy đủ cơ sở pháp lý, văn bản hướng dẫn thực hiện và đã sẵn sàng nguồn vốn 16.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) vay.

Đáng chú ý vấn đề không nằm ở nguồn tiền bởi NHNN đã chuẩn bị sẵn gói trợ cấp này. Phía NHCSXH cũng cho rằng đã ban hành các văn bản hướng dẫn nghiệp vụ, đồng thời, đã chỉ đạo Chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố chủ động báo cáo UBND, Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị cùng cấp để triển khai thực hiện và tổ chức tập huấn trực tuyến đến chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố để hướng dẫn cách thức triển khai thực hiện.

NHNN cho biết, theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, nguyên nhân là do doanh nghiệp chưa chủ động lập hồ sơ vay vốn, xác nhận các chế độ hỗ trợ cho người lao động do e ngại việc chứng minh khó khăn tài chính có thể ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất kinh doanh... 

Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp cho biết họ gặp rất khó khăn do Covid-19, có nhu cầu vay tiền để trả lương cho người lao động, họ đã từng bỏ thời gian và công sức để nghiên cứu các quy định để tiếp cận góp hỗ trợ này nhưng sau đó đã bỏ cuộc vì không thể hội đủ điều kiện theo yêu cầu.

Tại một cuộc hội thảo gần đây, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, cho biết đánh giá chung từ các doanh nghiệp thành viên là điều kiện để được hưởng các gói hỗ trợ đều quá cao và khó tiếp cận.

Ông Quyền lấy ví dụ về điều kiện doanh nghiệp phải không có doanh thu, đã sử dụng hết các quỹ mới được vay. Tuy nhiên, nếu không còn doanh thu doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, hay các nguồn quỹ muốn dùng phải có quy chế chứ không thể tùy tiện lấy ra trả lương nhân viên.

Trong khi đó, ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, cho biết hầu hết doanh nghiệp trong ngành đều phản hồi về việc không nhận được các gói hỗ trợ tài khóa, tín dụng, đặc biệt là gói vay không lãi suất 16.000 tỉ đồng để trả lương người lao động ngừng việc. Nguyên nhân do điều kiện để doanh nghiệp được hưởng gói hỗ trợ này quá cao, doanh nghiệp không thể đáp ứng đủ.

Vào cuối tháng 6 vừa qua, NHNN phối hợp với UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức Hội nghị kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do dịch Covid-19 tại địa phương. Theo ghi nhận tại sự kiện, kể từ khi NHNN ban hành quy định về việc tái cấp 16.000 tỉ đồng đối với NHCSXH để cho người sử dụng lao động vay trả lương ngừng việc, thì NHCSXH tỉnh chưa nhận được danh sách phê duyệt người sử dụng lao động đủ điều kiện vay vốn của UBND tỉnh, nên nguồn vốn này vẫn chưa thể giải ngân. Nguyên nhân là điều kiện cho vay quá khó để tiếp cận.

Ông Nguyễn Văn Sứ, Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Thành tại Khánh Hòa, đã kể rằng chính sách, điều khoản rất phức tạp. Ví dụ như khách sạn trực thuộc hoặc Vĩnh Thành Bakery phải nghỉ, nhưng trên thực tế, khối nhân viên văn phòng của doanh nghiệp vẫn phải làm, do đó doanh nghiệp không thể đạt những tiêu chí đưa ra.

(Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đang sửa đổi điều kiện tiếp cận gói vay 16.000 tỉ đồng hỗ trợ doanh nghiệp trả lương. Theo đó, Bộ đề nghị Chính phủ bỏ tiêu chí doanh nghiệp không có nguồn thu mới được vay. Doanh nghiệp chỉ cần giảm doanh thu và gặp khó khăn là sẽ được vay gói tín dụng 16.000 tỉ đồng này, không cần đến mức không có doanh thu.)

Cần giúp doanh nghiệp "chạm" đến sự hỗ trợ

Một quy định khác rất không khả thi là doanh nghiệp khi lập hồ sơ vay vốn, do phải chứng minh tài chính khó khăn nên e ngại ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Có hiện tượng địa phương ngại trách nhiệm trong việc xác nhận hồ sơ của doanh nghiệp gởi NHCSXH.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, thông tin gói vay 16.000 tỉ đồng đến thời điểm này vẫn còn nguyên vẹn là minh chứng rõ nhất cho việc chính sách hỗ trợ này của Chính phủ không đi vào đời sống.

"Ý tưởng đề ra rất hay nhưng chính sách thực hiện lại không thực tế với điều kiện của đại đa số doanh nghiệp", chuyên gia Lê Đăng Doanh lưu ý.

Sản xuất của một doanh nghiệp giày dép bị ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh minh họa: TL

Nhiều doanh nghiệp còn ví von các điều kiện để vay vốn chẳng khác gì những giấy phép con, trói buộc họ mà để làm được thì quá phiền hà, phức tạp. Đơn cử như việc quỹ vay để trả lương nhưng với điều kiện doanh nghiệp phải trả 50% lương cho người lao động, nộp đầy đủ Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm xã hội, đồng thời doanh nghiệp đó không được có nợ xấu, nợ quá hạn ở các ngân hàng, phải sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương.

Như vậy, chỉ cần doanh nghiệp không đáp ứng được một trong số các điều kiện trên hay đơn giản là không trích lập quỹ dự phòng lương thì có nghĩa là không đủ điều kiện.

(Theo hướng dẫn của Ngân hàng Chính sách xã hội, điều kiện để doanh nghiệp vay vốn bao gồm: có từ 20%, hoặc từ 30% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6; đang gặp khó khăn về tài chính, không cân đối đủ nguồn để trả lương ngừng việc cho người lao động, đã sử dụng hết quỹ dự phòng tiền lương để trả lương cho người lao động ngừng việc; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm ngày 31/12/2019.)

Nhiều ý kiến doanh nghiệp cho rằng họ có cảm giác khi thiết kế gói hỗ trợ này, những người soạn thảo còn e dè, sợ doanh nghiệp "lạm dụng" hay gian dối, trục lợi chính sách. Trên thực tế, cũng có thể có những doanh nghiệp sẽ lợi dụng chính sách, nhưng cũng sẽ chiếm một tỷ lệ nhỏ, bởi không mấy doanh nghiệp dám đánh đổi sự sống còn của thương hiệu để lấy được vốn vay.

Trong khi đó, trên thực tế, các doanh nghiệp thời gian qua bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 khi cảm thấy tình hình hoạt động không ổn đã chủ động cho người lao động tạm ngưng việc, không hưởng lương. Trường hợp, có doanh nghiệp vẫn trả 50% lương thì người lao động cũng đã cảm thấy ổn và chia sẻ với chủ doanh nghiệp trong thời gian khó khăn chung.

Có ý kiến cho rằng, chủ yếu đối tượng của chính sách này là các doanh nghiệp có số lượng lao động lớn. Còn doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn chiếm đến 97% lực lượng doanh nghiệp của cả nước, số người lao động của họ không quá nhiều nên khi phải theo đuổi quá nhiều thủ tục hành chính sẽ khiến họ chẳng mặn mà với chính sách hỗ trợ.

Chưa hết, việc 16.000 tỉ đồng không được giải ngân là sự lãng phí rất lớn khi gần 5 tháng trời chính phủ, bộ ngành và địa phương,... tập trung tuyên truyền, tập huấn, vận động, hướng dẫn nhưng quay trở lại là con số 0. Nếu cứ như vậy, niềm tin của doanh nghiệp vào các chính sách cũng sẽ ngày càng hao mòn dần.

Từ gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng còn nguyên vẹn trong bối cảnh hàng loạt doanh nghiệp khó khăn và phải cho người lao động nghì việc, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng cần phải rút kinh nghiệm, đó là chính sách đưa ra cần phải tính toán để doanh nghiệp có thể "chạm" tới được. Ông cho rằng trước khi đưa ra những quy định, điều kiện gì thì cần phải nghiên cứu kỹ và lấy ý kiến cụ thể của đối tượng được thụ hưởng.

(Trước đó, Nghị quyết 42/NQ-CP ngày 09-4-2020 của Chính phủ đã quy định người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động theo khoản 3 Điều 98 Bộ luật Lao động 2012 trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2020 thì được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng người lao động theo thời gian trả lương thực tế nhưng không quá 3 tháng với lãi suất 0%, thời hạn vay tối đa 12 tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hàng tháng đến người bị ngừng việc.

Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỉ đồng với lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm, lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%/năm.)