Tin tức sự kiện

Quảng Nam chi hơn 121 tỉ đồng hỗ trợ phát triển du lịch miền núi

(Dân trí) - Tại kỳ họp thứ 9 HĐND tỉnh Quảng Nam khóa IX từ ngày 4-7/12, các đại biểu đã biểu quyết mức chi trên 121 tỉ đồng để hỗ trợ phát triển du lịch miền núi gồm 9 huyện Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Phước Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My.

Ngoài hai Di sản văn hóa thế giới là phố cổ Hội An, Khu Đền tháp Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, nghệ thuật hô hát Bài chòi đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được thế giới biết đến, tỉnh Quảng Nam có lợi thế bờ biển dài 125 km, 157 km biên giới Việt - Lào và cả không gian rộng lớn phía Tây gồm 9 huyện.

Đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận huyện Tây Giang được du khách khám phá bằng xe “ba càng”
Đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua địa phận huyện Tây Giang được du khách khám phá bằng xe “ba càng”
 

Các địa phương này có nhiều tiềm năng du lịch với nhiều sông, suối, đồi núi cao, rừng nguyên sinh, đường Hồ Chí Minh huyền thoại, cùng các khu, điểm di tích lịch sử; là nơi sở hữu nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể quý giá, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số Cơtu, Cadong, Xê đăng, Bhnoong… đã và đang được gìn giữ, bảo tồn; là những điều kiện thuận lợi để phát triển các loại hình du lịch miền núi…

Tuy nhiên, công tác đầu tư phát triển du lịch vùng Tây chưa được quan tâm; kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; chất lượng dịch vụ, nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu; công tác liên kết quảng bá, kết nối vùng để phát triển du lịch chưa đồng bộ, chưa tạo được chuỗi sản phẩm có sức hút lớn...

Theo đề án phát triển du lịch miền núi Quảng Nam, hiện nay điểm đến Hội An, Mỹ Sơn, Cù Lao Chàm đang bị quá tải khách du lịch, đồng thời để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách thì việc phát triển các sản phẩm du lịch tại vùng núi phía Tây Quảng Nam là phù hợp.

Nhằm phát huy những lợi thế về du lịch của các huyện miền núi, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa thì việc xây dựng Đề án hỗ trợ phát triển du lịch miền núi tỉnh Quảng Nam đến năm 2025 là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách.

Các nội dung hỗ trợ gồm lập quy hoạch, kế hoạch phát triển du lịch; tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về phát triển du lịch; đầu tư hạ tầng tại các khu, điểm du lịch; xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch; đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực du lịch và hỗ trợ công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.

Theo nguyên tắc hỗ trợ, mỗi điểm du lịch chỉ được ngân sách nhà nước hỗ trợ một lần theo quy định này. Thời gian triển khai đề án từ năm 2019-2025 với kinh phí trên 121 tỉ đồng. Cơ chế hỗ trợ: Ngân sách tỉnh hỗ trợ 70% tổng mức đầu tư; ngân sách huyện và xã hội hóa cân đối, đảm bảo 30%. Tại kỳ họp này, 100% đại biểu HĐND đã biểu quyết thống nhất với đề án này.

Được biết, toàn tỉnh hiện đang sử dụng khoảng 13.000 lao động trong lĩnh vực du lịch, trong đó khu vực miền núi sử dụng khoảng gần 1.400 lao động.

Theo thống kê năm 2017, tổng lượt khách tham quan, lưu trú tại khu vực miền núi đạt gần 51.000 lượt khách, gấp 2,3 lần so với năm 2013, chiếm khoảng 1% tổng lượt khách tham quan, lưu trú toàn tỉnh.

Tốc độ tăng bình quân tổng lượt khách tham quan lưu trú giai đoạn 2013 -2017 đạt khoảng 23,2%/năm. Về doanh thu từ dịch vụ du lịch tại khu vực miền núi năm 2017 đạt 36 tỷ đồng, tăng 1,8 lần so với năm 2013. Tốc độ tăng bình quân doanh thu từ dịch vụ du lịch giai đoạn 2013 –2017 đạt khoảng 15,7%/năm.